Content-Length: 161545 | pFad | https://vi.wikipedia.org/wiki/Bu%E1%BB%95i_tr%C6%B0a

Buổi trưa – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Buổi trưa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Buổi trưa ở Brugge, Vương quốc Bỉ.
Buổi trưa tại một tháp đồng hồ ở Birmingham, Anh, cho thấy chỉ 12 giờ trưa đúng.

Trưa hay buổi trưa là thời gian chính xác nửa ngày, được viết là 12,00 hoặc 12:00 trên đồng hồ hệ 24 giờ; và 12:00 pm hay 0:00 pm trên đồng hồ hệ 12 giờ. Buổi trưa cũng có thể hiểu theo nghĩa là một khoảng thời gian xung quanh 12 giờ trưa chia thành ba giai đoạn là chớm trưa, giữa trưa và xế trưa bắt đầu từ 11:00 AM đến 1:00 PM.

Năng lượng Mặt Trời chiếu giữa trưa mạnh nhất khi Mặt Trời xuất hiện cao nhất trên bầu trời so với vị trí của nó trong phần còn lại của ngày, gọi là trưa Mặt Trời hay đứng bóng. Nó xảy ra khi Mặt Trời chính xác nằm giữa vị trí Mặt Trời mọcMặt trời lặn. Đây cũng là nguồn gốc của các cách nói "am" và "pm", (ante meridiempost ​​meridiem).

Trưa Mặt Trời (solar noon) chỉ thời điểm mà Mặt Trời được trông thấy tiếp xúc với đường kinh tuyến trời địa phương và ở vị trí cao nhất trên bầu trời trong ngày. Đây là thời điểm 12 giờ trưa đúng theo thời gian Mặt Trời biểu kiến và có thể được quan sát nhận biết bằng cách sử dụng đồng hồ Mặt Trời. Thời gian đồng hồ địa phương của lúc trưa Mặt Trời phụ thuộc vào ngày trong năm và kinh độ.[1]

Bởi vì việc sử dụng các múi giờ và quy ước giờ mùa hè, thời điểm cao nhất của Mặt Trời và thời gian đồng hồ chỉ buổi trưa thường khác nhau.

Lúc trưa Mặt Trời vào các ngày điểm phân, đứng từ Bắc Bán cầu nhìn thấy Mặt Trời ở phía nam, và ngược lại đứng từ Nam Bán cầu nhìn thấy Mặt Trời từ phía bắc.

Trái với trưa là nửa đêm (0:00 hay 12:00 am).

Trưa Mặt Trời

[sửa | sửa mã nguồn]

Trưa Mặt Trời (tạm gọi là giữa trưa, đứng bóng, hay chính xác là trưa Mặt Trời biểu kiến địa phương)[2] là thời điểm buổi trưa khi Mặt Trời tiếp xúc với đường kinh tuyến thiên thể (meridian) tại nơi người quan sát, khi đó nó đạt tới vị trí cao nhất so với đường chân trời trong ngày và bóng của các vật thể trên mặt đất là ngắn nhất.

Mặt Trời lúc trưa Mặt Trời, ảnh chụp tại Kerala, Ấn Độ.
Thời gian trưa Mặt Trời mà hạ điểm Mặt Trời nằm tại Hawaii được gọi là Lahaina Noon. Ảnh chụp tại Downtown Honolulu, Honolulu, Hawaii.

Hạ điểm Mặt Trời là địa điểm trên Trái Đất mà Mặt Trời ở vị trí trực tiếp ngay phía trên đỉnh đầu (trên thiên đỉnh) vào lúc trưa Mặt Trời. Trong một năm, hạ điểm Mặt Trời di chuyển trong vùng nhiệt đới khoảng giữa hai chí tuyến BắcNam. Cụ thể, lúc trưa Mặt Trời lên thiên đỉnh vào hai ngày điểm phân tại xích đạo, vào ngày Hạ chí tại chí tuyến Bắc (vĩ độ 23°26′11.5″ B), và vào ngày Đông chí tại chí tuyến Nam (vĩ độ 23°26′11.5″ N). Ở Bắc Bán cầu, các vĩ độ phía bắc của chí tuyến Bắc, bởi hạ điểm Mặt Trời chỉ có thể lên đến chí tuyến Bắc nên Mặt Trời luôn ở phía nam đối với người quan sát vào lúc trưa Mặt Trời; tương tự, ở Nam Bán cầu, các vĩ độ phía nam của chí tuyến Nam, lúc trưa Mặt Trời luôn ở phía bắc.

Tại các nơi vùng cận cực, vào mùa đông tương ứng của bán cầu ở đó, Mặt Trời có thể lên rất thấp hoặc thậm chí là ở dưới chân trời ngay cả khi trưa Mặt Trời. Đây là hiện tượng ban đêm vùng cực hay chạng vạng vùng cực.

Năng lượng chiếu của bức xạ Mặt Trời là mạnh nhất trong ngày lúc trưa Mặt Trời, nhưng nhiệt độ không khí ngoài trời trong ngày không hoàn toàn là lớn nhất khi đó, mà phải tới một lúc sau (2-3 giờ chiều hoặc lâu hơn tùy theo điều kiện môi trường) bởi không khí cần một khoảng thời gian để truyền nhiệt.[3] Bởi ánh sáng Mặt Trời vào lúc giữa trưa truyền qua khoảng cách ngắn nhất trong khí quyển, sự tán xạ trên các thành phần màu sắc là tối thiểu nên phần nhiều ánh sáng trực tiếp của tất cả màu tới được người quan sát, dẫn đến Mặt Trời được trông thấy có màu trắng chói vào lúc này.

Khoảng thời gian giữa lúc trưa Mặt Trời địa phương của ngày hôm trước tới của ngày hôm sau chỉ chính xác là tròn 24 giờ vào bốn lần trong một năm. Điều này chỉ có thể xảy ra khi độ nghiêng trục Trái Đất và tốc độ quỹ đạo quanh Mặt Trời của nó bù trừ nhau. Bốn ngày này trong kỷ nguyên thiên văn hiện tại là các ngày 11 tháng 2, 13 tháng 5, 25 tháng 7, và 3 tháng 11. Mỗi lần xảy ra, nó chỉ xảy ra ở một kinh độ nhất định, và mỗi năm một khác, bởi vì một năm thực sự của Trái Đất không phải gồm một số nguyên ngày. Thời gian và nơi xảy ra cũng biến động do tác động nhiễu loạn lên quỹ đạo của Trái Đất bởi các hành tinh khác. Bốn ngày chính xác 24 tiếng trên đồng thời xảy ra với cả hai bán cầu. Thời gian UTC chính xác cho bốn ngày này cũng đánh dấu ngày mà đường kinh tuyến đối diện 180° trải qua chính xác 24 tiếng từ nửa đêm địa phương hôm trước đến nửa đêm hôm sau. Tóm lại, có bốn vòng tròn lớn kinh tuyến xác định tùy theo năm mà một ngày 24 tiếng (giữa hai trưa hoặc hai nửa đêm) có thể xảy ra.

Hai khoảng thời gian dài nhất giữa hai trưa xảy ra hai lần trong năm vào khoảng các điểm chí, khoảng ngày 20 tháng 6 (24 tiếng cộng 13 giây) và 21 tháng 12 (24 tiếng cộng 30 giây).

Hai khoảng thời gian ngắn nhất trong năm là vào khoảng gần các điểm phân, các ngày 25 tháng 3 (24 tiếng trừ 18 giây) và 13 tháng 9 (24 tiếng trừ 22 giây).

Cũng bởi những lý do này, trưa Mặt Trời và trưa "theo đồng hồ" địa phương thường không trùng nhau. Phương trình thời gian cho thấy rằng số giờ đọc được từ đồng hồ dân dụng lúc trưa Mặt Trời có thể trên hoặc dưới 12:00 tới tận 16 phút. Hơn nữa, do quy ước giờ mùa hè và do sự phân chia các múi giờ có tính chất chính trị, nó có thể sai lệch tới hơn một tiếng.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tiếng Anh, từ "trưa" (noon) có nguồn gốc từ tiếng Latinh Nona Hora, giờ thứ chín trong ngày, và có thuật ngữ phụng vụ: none (từc giờ thứ chín).[4] Theo tu viện La MãTây Âu thời Trung cổ một ngày bắt đầu vào lúc 6:00 am (06:00) theo giờ hiện đại, do đó, giờ thứ chín bắt đầu vào 3:00 pm (15:00) hiện nay. Trong tiếng Anh, ý nghĩa của từ này chuyển sang buổi trưa và thời gian dần di chuyển về 12:00. Sự thay đổi bắt đầu vào thế kỷ thứ mười hai và đã được cố định vào thế kỷ mười bốn.[5] Buổi trưa thường bắt đầu từ lúc 11 am đến 12 pm. Trong đó, các ký hiệu viết tắt "am" và "pm" trong tiếng Latinh tương ứng là ante meridiem tức là "trước giữa ngày", và post meridiem tức là "sau giữa ngày". Từ "kinh tuyến" (meridian) ở trên cũng có cùng nguồn gốc này.

Ý nghĩa văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Bữa ăn trưa là thường được coi một trong ba bữa ăn chính trong ngày, và là bữa ăn chính thứ hai sau bữa ăn sáng. Sau bữa trưa thường là các hoạt động nghỉ ngơi.

Trong tư duy ma thuật truyền thống, trưa đại diện cho trật tự, thiên đàngcuộc sống. Người Hồi giáo gọi thời điểm giữa trưa như là Zawwal (زوال) và là thời gian mà họ có thể bắt đầu cung cấp những lời cầu nguyện Dhuhr của họ.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “The Sun as an Energy Resource”.
  2. ^ “high noon”. The Cambridge Advanced Learner's Dictionary & Thesaurus. Cambridge University Press. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2016.
  3. ^ M. Hackworth "Weather & Climate" course notes, with prior permission Lưu trữ 2008-10-12 tại Wayback Machine
  4. ^ “Think Lent is Tough? Take a Look at Medieval Lenten Practices” (bằng tiếng Anh). SSPX. ngày 17 tháng 2 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2021.
  5. ^ Online Etymology Dictionary

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]








ApplySandwichStrip

pFad - (p)hone/(F)rame/(a)nonymizer/(d)eclutterfier!      Saves Data!


--- a PPN by Garber Painting Akron. With Image Size Reduction included!

Fetched URL: https://vi.wikipedia.org/wiki/Bu%E1%BB%95i_tr%C6%B0a

Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy