Content-Length: 201855 | pFad | https://vi.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:S%E1%BB%9F_h%E1%BB%AFu_n%E1%BB%99i_dung

Wikipedia:Sở hữu nội dung – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Wikipedia:Sở hữu nội dung

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tất cả nội dung ở Wikipedia—từ bài viết, thể loại, bản mẫu và mọi loại trang khác—đều được viết trên cơ sở hợp tác đóng góp. Không ai, bất kể đạt trình độ chuyên môn ra sao, hoặc vị thế cao như thế nào trong cộng đồng này, có quyền hành động như thể họ là chủ nhân của một trang nào đó. Tương tự, người hoặc tổ chức là đối tượng của bài viết không sở hữu bài viết về người hoặc tổ chức đó, và họ không có quyền chỉ đạo nó được hay không được viết cái gì.

Có một vài khía cạnh khi bàn đến vấn đề "sở hữu" nội dung trên Wikipedia.

Kiểm soát nội dung trên Wikipedia

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu tiên là vấn đề kiểm soát nội dung. Một số người đóng góp cảm thấy có tính chiếm hữu rất cao cho những trang mà họ đóng góp cho dự án này. Một số còn đi xa hơn nữa khi bảo vệ chúng khỏi mọi sự xâm phạm.

Bạn không thể bắt mọi người không được sửa đổi tác phẩm "của bạn" một khi bạn đã gửi nó lên Wikipedia, vì mỗi trang sửa đổi đều có nêu rõ:

  • Nếu bạn không muốn nội dung bạn nhập bị người khác sửa, đừng viết vào đây.

Nếu bạn nhận thấy mình xung khắc với người khác qua việc xoá, hồi chuyển, v.v…, tại sao không tạm ngưng sửa đổi trong một thời gian? Việc đi ra ngoài quỹ đạo đó có thể làm nguội tình hình đi đáng kể. Rồi hãy xem lại sau đó một hoặc hai tuần.

Hoặc nếu có ai đó tuyên bố "sở hữu" trang viết, bạn có thể mang vấn đề đó vào trang thảo luận tương ứng. Hãy mời những người khác tham gia vào, hoặc xem xét đến thủ tục giải quyết mâu thuẫn.

Tin rằng mỗi bài viết có người sở hữu là suy nghĩ sai lầm mà nhiều người mắc phải trên Wikipedia.

Mặc dù làm việc trên bài viết không cho phép người đó "sở hữu" bài viết, nhưng tôn trọng phần việc của người cùng đóng góp là điều quan trọng. Khi tiến hành thay đổi lượng lớn nội dung, nhất là của cùng một người biên tập, hãy nghĩ xem liệu có thể đạt được kết quả mong muốn bằng cách cộng tác với người đó, thay vì chống lại họ. Xem thêm Wikipedia:Thái độ văn minhWikipedia:Giữ thiện ý.

Quyền sở hữu pháp lí

[sửa | sửa mã nguồn]

Vấn đề thứ hai là quyền sở hữu về mặt pháp luật theo quy định của luật bản quyền.

Trái với nhiều người thường nghĩ, các bài viết trên Wikipedia được bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên điều này không ngụ ý là việc sao chép chúng là bất hợp pháp. Tác giả – "người giữ bản quyền" theo cách gọi về mặt pháp luật – của văn bản (hoặc bất cứ tác phẩm sáng tạo nào) có thể nhượng các quyền trên văn bản cho người khác. Các quyền này được quy định trong giấy phép. Bằng cách gửi bài viết (hoặc hình ảnh, bản vẽ, sơ đồ… tự tạo) cho Wikipedia, người đóng góp đó đồng ý cấp phép tác phẩm của họ theo Giấy phép Tài liệu Tự do GNU, viết tắt là GFDL. Giấy phép này cho phép mọi người trên hành tinh này quyền sao chép và sửa đổi văn bản miễn là họ đáp ứng các yêu cầu nào đó (chẳng hạn như ghi nhận tác giả). Gửi bài viết vào Wikipedia không có nghĩa là từ bỏ bản quyền tác giả, nhưng cùng lúc đó, tác giả không thể cấm các sửa đổi trên bài viết vì tác giả đã nhượng các quyền được quy định trong GFDL.

Khi ai đó thực hiện sửa đổi trên bài viết, người đó đã tạo nên cái được gọi là "tác phẩm phái sinh". Người đó là người giữ bản quyền của phiên bản mới, nhưng vì phiên bản mới dựa trên phiên bản cũ được cấp phép cho họ theo GFDL, người đó bị ràng buộc bởi các yêu cầu của GFDL, và vì vậy họ không thể hành động như thể họ là tác giả duy nhất của phiên bản mới. Điều này diễn ra vô tận: cho dù đã thực hiện bao nhiêu sửa đổi trên bài viết, bài viết vẫn bị chi phối bởi các yêu cần theo giấy phép của phiên bản đầu tiên.

Tóm lại, (các) tác giả của bài viết là "người giữ bản quyền" hợp pháp và có thể được xem là "người sở hữu", nhưng vì họ không thể cấm các thay đổi trên bài viết, cũng có thể nói rằng mọi người đều "sở hữu" bài viết theo nghĩa mọi người đều có quyền sao chép và cải thiện chúng.

Cũng nên biết thêm rằng người giữ bản quyền của một tác phẩm có toàn quyền đối với tác phẩm đó và không phụ thuộc vào bất cứ yêu cầu nào cho dù họ cấp phép tác phẩm theo GFDL. Tác giả có thể cấp phép cùng một tác phẩm dưới các giấy phép khác – và thực tế nhiều thành viên Wikipedia đồng ý cấp phép phần đóng góp của họ theo một hoặc nhiều giấy phép khác bên cạnh GFDL – hoặc thậm chí họ có thể từ bỏ bản quyền (ngay lập tức hoặc sau đó). Khi một văn bản không ràng buộc bởi bản quyền, mọi người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với văn bản đó.

Các loại sở hữu nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Có hai loại mâu thuẫn thông dụng về quyền sở hữu nội dung giữa các thành viên: loại liên quan đến một người viết và loại liên quan đến nhiều người viết.

Dù hành vi sở hữu thường được hiểu là có liên quan đến người khởi tạo bài, nó cũng có thể liên quan đến những người tham gia biên tập bài có mâu thuẫn lợi ích trong việc quảng bá hoặc phản đối chủ thể của bài viết, làm lạc định hướng và những gì mà bài viết ban đầu nhấn mạnh, đổi tên bài/đề mục để phản ánh những thay đổi đó, hoặc nếu không thành công thì lại xóa bài viết như một hình thức để trả đũa.

Sở hữu một người viết

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong nhiều trường hợp (nhưng không phải tất cả), biên tập viên vướng vào xung đột quyền sở hữu cũng chính là người đóng góp chủ yếu cho bài viết. Vì vậy, hãy nghĩ rằng biên tập viên đó có thể là chuyên gia trong lĩnh vực mà họ viết hoặc có đam mê thực sự trong việc giữ gìn chất lượng và đảm bảo sự chính xác của bài viết.

Nên tìm cách tiếp cận với biên tập viên được cho là đang muốn sở hữu bài viết tại trang thảo luận của bài viết đó bằng cách tạo một đề mục có nội dung thông báo về đề tài cho những người khác thấy. Luôn tránh buộc tội, tấn công và suy xét về động cơ của bất kỳ biên tập viên nào. Nếu hành vi ứng xử đó tiếp diễn, vấn đề cần được giải quyết bằng quy trình giải quyết mâu thuẫn, nhưng quan trọng là cần cố giao tiếp với biên tập viên ở trang thảo luận bài trước khi yêu cầu can thiệp,... Những biên tập viên này thường hoan nghênh việc thảo luận nên việc trao đổi ý tưởng đơn giản thường sẽ giải quyết được vấn đề sở hữu bài viết này.

Nếu bạn phát hiện ra rằng biên tập viên đó tiếp tục chống đối, tấn công cá nhân hoặc tiến hành bút chiến, hãy cố phớt lờ sửa đổi gây hại bằng cách thảo luận về đề tài ở trang thảo luận. Có thể bạn cần phải làm ngơ trước những công kích người khác dùng để đáp lại nghi vấn của bạn. Nếu việc sở hữu bài viết vẫn không thay đổi sau cuộc thảo luận, khi đó có thể cần đến quy trình giải quyết mâu thuẫn, nhưng ít nhất bạn sẽ được ghi nhận là đã nỗ lực giải quyết vấn đề trực tiếp với người biên tập. Điều quan trọng là cần nỗ lực giao tiếp với biên tập viên đó ở trang thảo luận bài viết trước khi yêu cầu can thiệp,... Bạn cũng có thể khôn ngoan để họ rút lui khỏi cuộc trao đổi và trở lại khi nào họ sẵn sàng.

Sở hữu nhiều người viết

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi có nhiều người biên tập viên cùng tham gia, người này tranh giành quyền sở hữu bài với người khác, vấn đề có thể phức tạp hơn. Kịch bản đơn giản nhất thường là một biên tập viên có ảnh hưởng lớn được nhiều biên tập viên khác bảo vệ, củng cố quyền sở hữu bài viết trước đó. Điều này có thể gây chán nản cho cả thành viên mới và thành viên lâu năm. Nên tập trung nói về đề tài hơn là bàn luận về hành động của các biên tập viên khác. Nếu điều này thất bại, hãy tiến hành quá trình giải quyết mâu thuẫn, nhưng quan trọng là cần giao tiếp ở trang thảo luận và cố tự giải quyết tranh chấp trước khi đẩy sự việc lên một mức độ cao hơn là quá trình giải quyết mâu thuẫn.

Sở hữu bài viết và vị trí quản lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Trừ khi một biên tập viên tỏ thái độ gắn liền với sở hữu bài viết, tốt nhất nên giữ thiện ý đối với họ và tôn trọng cách ứng xử của họ ở vị trí quản lý. Vị trí quản lý hay chăm sóc một bài hoặc một nhóm bài viết có đề tài tương đồng có thể là kết quả nảy sinh từ sở thích cá nhân về đề tài đó của họ, hoặc phát xuất từ động cơ hoặc tổ chức liên quan đến bài viết. Người viết có thể là chuyên gia hoặc có nhiều kiến thức về đề tài đó và có thể cung cấp những kiến thức đáng tin tưởng để xác định được nguồn đáng tin cậy. Các bên tham gia đều có trách nhiệm tuân theo những quy định cốt lõi như thái độ trung lập, thông tin kiểm chứng được kèm nguồn đáng tin cậy và thái độ văn minh.

Wikipedia là bách khoa toàn thư mà "bất cứ ai cũng có thể biên tập", nhưng không phải sửa đổi nào cũng đều có tác dụng cải thiện chất lượng. Trong nhiều trường hợp, một nhóm thành viên nòng cốt sẽ phải làm việc để xây dựng bài viết đạt tới trạng thái hiện tại và sẽ lùi sửa những sửa đổi mà họ cho là có hại. Họ tin rằng làm vậy là để giữ được chất lượng của từ điển bách khoa thư. Những tác vụ lùi sửa đó không đồng nghĩa với "sở hữu bài viết", nếu nó có kèm theo tóm lược sửa đổi liên quan đến quy định và chính sách của Wikipedia, những bình duyệt và thảo luận trước đó, hoặc những vấn đề văn phong, ngữ pháp rõ ràng kèm theo.

Nếu bất đồng vẫn tiếp diễn sau khi thực hiện lùi sửa như vậy, biên tập viên đề xuất sửa đổi nên đặt vấn đề ở trang thảo luận bài viết mà không kèm bình luận về cá nhân hoặc buộc tội sở hữu bài viết. Như vậy, có thể tập trung thảo luận về nội dung sửa đổi đó với các biên tập viên quen thuộc với bài viết, những người mong muốn thảo luận về nội dung đó một cách văn minh. Đây là quy trình gọi là táo bạo, lùi sửa, thảo luận. Dù không phải là một quy định hay hướng dẫn, đó là phương pháp đáng tin cậy trong việc giải quyết mâu thuẫn.

Bài viết chọn lọc và bài viết tốt

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù bài viết chọn lọc (nhận diện bằng ngôi sao vàng ở góc trên bên phải Bài viết chọn lọc) cũng luôn ở trạng thái sẵn sàng cho mọi người sửa đổi như các bài viết khác, loạt bài này đã trải qua quá trình đánh giá xét duyệt của cộng đồng từ khi còn là ứng cử viên bài viết chọn lọc. Trong quá trình đó, những bài này đã được thẩm tra về nguồn gốc với yêu cầu cao, một quá trình khảo sát toàn diện về văn chương và tuân theo các tiêu chuẩn bài viết chọn lọc. Các biên tập viên được yêu cầu phải đặc biệt cẩn trọng khi sửa đổi bài viết chọn lọc. Nên cân nhắc thảo luận trước khi thực hiện những thay đổi đáng kể về nội dung hoặc hình ảnh ở trang thảo luận bài. Việc giải thích một cách văn minh tại sao nguồn gốc và quy định đứng về phía một phiên bản nào đó của bài viết chọn lọc không có nghĩa là sở hữu bài viết. Tại trang thảo luận của bài sẽ có một bản mẫu chứa liên kết đến trang ứng cử của bài viết đó và bình duyệt bài viết chọn lọc trước đó nếu có.

Bài viết tốt (nhận diện bằng ngôi sao xanh ở góc trên bên phải Bài viết tốt) đã trải qua quá trình bình chọn với các tiêu chí không khắt khe bằng bài viết chọn lọc. Mọi biên tập viên được hoan nghênh sửa đổi và cải thiện bài viết, nhưng khuyến khích nên thảo luận về những sửa đổi quan trọng. Các biên tập viên tham gia vào đánh giá bài có thể đưa ra lời khuyên hữu ích và hợp tác với bạn để cải thiện bài viết tốt hơn.

Trang thành viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Wikipedia cho phép thành viên linh hoạt quản lý không gian thành viên của họ theo cách mà họ thấy phù hợp. Tuy nhiên, chúng không phải là trang chủ cá nhân và không thuộc quyền sở hữu của thành viên. Những trang này là một phần của Wikipedia và phải được dùng để phục vụ mục đích chính của chúng. Đặc biệt, các trang thảo luận thành viên là để việc thảo luận và hợp tác giữa các thành viên diễn ra dễ dàng hơn. Không được cản trở các chức năng này bằng hành vi sở hữu cá nhân. Dù những thành viên khác và bot thường chỉ sửa đổi trang thảo luận thành viên, họ cũng có quyền sửa đổi những trang khác trong không gian thành viên của bạn. Thông thường, người khác sẽ không sửa đổi trang thành viên chính của bạn, nếu có chỉ là bày tỏ những mối quan tâm đáng chú ý (rất hiếm) hoặc công việc quản lý thường ngày như gắn thẻ dự án, sửa liên kết đổi hướng của những trang đã bị di chuyển, xóa những thể loại chỉ dành cho bài viết hoặc lùi sửa phá hoại hay vi phạm tiểu sử người đang sống.

Giải quyết vấn đề sở hữu nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Dù có thể dễ dàng nhận dạng được vấn đề sở hữu nội dung, nhưng để giải quyết mâu thuẫn đạt mức thỏa mãn hết những thành viên tham gia thì khó hơn rất nhiều. Sẽ rất hữu ích nếu luôn nhớ giữ bình tĩnh, giữ thiện ý giữ thái độ văn minh. Việc kết tội người khác sở hữu bài viết đôi khi bị thể hiện ra quá hung hăng và có thể bị xem là tấn công cá nhân. Hãy trao đổi với thành viên khác bằng thái độ văn minh cùng sự tôn trọng mà bạn mong đợi mình sẽ nhận lại. Thông thường, những thành viên bị luận tội sở hữu bài viết không tự ý thức được điều đó, nên điều quan trọng là phải giữ thiện ý. Vài thành viên có thể nghĩ rằng họ đang bảo vệ bài viết khỏi phá hoại và có thể phản hồi lại mọi sự thay đổi với thái độ thù địch. Những người khác có thể cố chứng minh quan điểm cá nhân của họ, không nhận ra được sự quan trọng của quy định về thái độ trung lập.

Hướng dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Đừng kí tên vào những gì bạn không sở hữu

[sửa | sửa mã nguồn]

Vì không ai "sở hữu" bất cứ phần nào của bất cứ bài viết nào, nếu bạn tạo hoặc sửa đổi bài viết, bạn không nên kí tên (~~~~) vào nó. Nhưng ngược lại, khi bạn thêm lời bình, câu hỏi hoặc bầu phiếu ở các trang thảo luận hoặc các trang phụ trợ khác, xin bạn hãy kí tên. Đối với một trang đã có, bạn cũng có thể xem cách những người khác có kí tên hay không để làm theo.

Đổi tên trang bằng nút di chuyển

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc sở hữu bài viết dựa trên lịch sử trang. Do vậy, khi đổi tên trang chú ý dùng nút di chuyển nếu bạn đã đăng nhập hoặc nhờ thành viên đã đăng nhập di chuyển hộ. Đừng sao chép nội dung từ bài cũ sang bài mới một cách thủ công, nó sẽ làm mất thông tin lịch sử trang, và do đó làm mất thông tin sở hữu bài viết.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]








ApplySandwichStrip

pFad - (p)hone/(F)rame/(a)nonymizer/(d)eclutterfier!      Saves Data!


--- a PPN by Garber Painting Akron. With Image Size Reduction included!

Fetched URL: https://vi.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:S%E1%BB%9F_h%E1%BB%AFu_n%E1%BB%99i_dung

Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy