Content-Length: 247149 | pFad | http://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_L%E1%BB%87

Núi Trường Lệ – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Núi Trường Lệ

19°43′35″B 105°53′31″Đ / 19,72631°B 105,891857°Đ / 19.726310; 105.891857 (Núi Trường Lệ)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thắng cảnh Hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ

Núi Trường Lệ, còn được gọi là Sầm Sơn, Núi Sầm hay Núi Gầm,[1][2] là một dãy núi nằm ven biển phía nam thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dãy núi này hiện được bao phủ bởi một diện tích rừng đặc dụng, được đánh giá là có cảnh quan thiên nhiên đẹp và là khu vực đa dạng về sinh học. Trên núi có Hòn Trống Mái là một trong những thắng cảnh của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, nơi đây còn có một số ngôi đền cổ như Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên và Đền Tô Hiến Thành.[3][4]

Năm 1962, khu vực này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia[5] và đến năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với tên gọi "Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn".[6][7]

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo một số tài liệu, núi Trường Lệ là dãy núi đá hoa cương diệp thạch, hình thành cách đây trên 300 triệu năm.[8][9] Hiện nay núi nằm trải rộng trên diện tích 150 ha thuộc địa phường phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn. Đây là một dãy núi thấp với 16 ngọn núi,[2] trong đó đỉnh cao nhất là Hòn Kèo chỉ cao 84,7 m so với mực nước biển.[1][10] Cho đến đầu thập niên 1980, núi Trường Lệ chỉ có đất trống, cây cối rất ít.[11] Sau đó, người dân bắt đầu trồng rừng để phủ xanh núi và đến năm 2021, diện tích rừng đặc dụng tại đây đạt 112,47 ha, gồm khoảng 20 loài cây rừng bản địa như lim xanh, gội trắng, xà cừ, lát hoa, muồng đen, đinh hương, bằng lăng, tếch, thông, sưa... xen với các loài keo, bạch đàn, phi lao...[4][12]

Hòn Trống Mái

[sửa | sửa mã nguồn]

Hòn Trống Mái là tên gọi của ba khối đá lớn trên núi Trường Lệ. Khối đá lớn nhất nằm ở dưới, trông như một cái bệ lớn, hai khối còn lại nằm bên trên khối này, trong đó một khối có đầu nhọn giống hình dáng con gà trống, khối kia nhỏ hơn nằm đối diện có hình dáng giống con gà mái. Hòn Trống Mái gắn liền các câu chuyện về mối tình thủy chung, son sắt, về tình nghĩa vợ chồng được người dân tại đây lưu truyền.[13][14]

Đền Độc Cước

[sửa | sửa mã nguồn]
Lối lên đền Độc Cước

Đền Độc Cước là ngôi đền thờ thần Độc Cước (vị thần một chân), một nhân vật mang tính huyền thoại. Theo các truyền thuyết thì vị thần này là một người khổng lồ. Đền nằm trên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ, được xây dựng theo kiến trúc hình chữ "đinh" (kiến trúc chuôi vồ). Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng gỗ với một tay, một chân.[15] Ngoài ra đền còn có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp tượng phỗng tạc bằng đá khối, nhiều câu đối chữ Nho ca ngợi công đức của thần Độc Cước.[16][17]

Đền Cô Tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Đền Cô Tiên nằm tại một vị trí đẹp thoáng đãng trên hòn Đầu Voi ở phía tây nam dãy núi Trường Lệ, từ đây có thể nhìn thấy Hòn Mê, cả vùng biển Nghi Sơn và bãi biển thuộc phường Quảng Vinh, xã Quảng Hùng. Tương truyền, ngôi đền thờ một cô gái làm thuốc cứu giúp người. Đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ "đinh", gồm 3 lớp tiền đường, trung đường và hậu cung. Hậu cung của đền đặt Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên tức Bà Chúa Liễu Hạnh, Mẫu Thượng NgànMẫu Thoải). Ngoài đền chính, quần thể di tích Đền Cô Tiên còn có đền trình, miếu Nam Hải Đại Vương và miếu Cô Chín.[15][8]

Đền thờ Tô Hiến Thành

[sửa | sửa mã nguồn]

Đền thờ Tô Hiến Thành tại Sầm Sơn là một trong 72 ngôi đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành tại Thanh Hóa. Đền nằm trên đồi cao, hướng về phía tây. Công trình được xây dựng theo kiến trúc chữ "đinh" với Bái đường, Trung đường, Hậu cung. Bái đường có ba gian thờ cộng đồng các quan, là nơi tổ chức các thể thức tế lễ vào ngày lễ hội, giỗ Thái úy Tô Hiến Thành; Trung đường đặt khám và tượng Tô Hiến Thành, nơi ông làm việc và phán xử việc vua, Hậu cung thờ bài vị, áo vua ban. Đền vẫn còn lưu giữ các sắc phong của các vua Tự ĐứcKhải Định triều Nguyễn.[18][19]

Theo một truyền thuyết của người dân tại đây, xưa có một người phụ nữ mang thai không may bị sóng cuốn ra biển nên qua đời. Thi hài bà dạt vào bờ, trở thành con đê chắn sóng cho vùng đất này. Người dân thương xót nên đã đắp đất lên thi hài bà theo dáng nằm ngửa thành núi Trường Lệ. Do vậy mà hình dáng của núi trông giống như một người đàn bà nằm ngửa. Một dị bản khác của truyền thuyết này là từ trong bụng người phụ nữ, một đứa trẻ to lớn kỳ lạ bước ra. Cậu bé vác đất đá đắp lên thi hài người mẹ, nấm mồ lớn dần thành núi Trường Lệ. Về sau cậu bé ra tay diệt trừ quỷ biển, bảo vệ dân làng và hóa thành thần Độc Cước.[9][20]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Địa chí Thanh Hóa, Tập 1. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. 2002. tr. 398. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  2. ^ a b Đại Nam nhất thống chí – Tỉnh Thanh Hóa, Tập thượng. Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục. 1960. tr. 71. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  3. ^ “Đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích danh thắng núi Trường Lệ”. Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. 27 tháng 1 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  4. ^ a b Khôi Nguyên (21 tháng 6 năm 2021). “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt”. Chuyên trang Văn hóa & Đời sống, Báo Thanh Hóa điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  5. ^ “Quyết định số 313-VH/VP năm 1962 về việc xếp hạng những di tích, danh thắng toàn miền Bắc”. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2023.
  6. ^ “Quyết định số 1954/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt”. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  7. ^ Ngọc Thành, Sỹ Đức (26 tháng 10 năm 2020). “Sầm Sơn đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt”. Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  8. ^ a b Gia Bảo (25 tháng 9 năm 2021). “Sầm Sơn - Điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn”. Tạp chí điện tử Thế giới Di sản. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  9. ^ a b Khôi Nguyên (27 tháng 9 năm 2018). “Một phức hợp di sản độc đáo”. Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  10. ^ Thu Trang (1 tháng 5 năm 2021). “Một vùng danh thắng Trường Lệ”. Chuyên trang Văn hóa & Đời sống, Báo Thanh Hóa điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  11. ^ Hoàng Phương (26 tháng 12 năm 2012). “Cựu binh già cụt chân 'cõng' cây lên núi”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  12. ^ Hoài Anh (12 tháng 5 năm 2021). “Báo cáo phương án bàn giao rừng đặc dụng khu di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh thành phố Sầm Sơn”. Báo Thanh Hóa điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  13. ^ Lê Hoàng (15 tháng 2 năm 2014). “Hòn Trống Mái Thanh Hóa có nguy cơ bị rơi”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  14. ^ Khánh Đan (6 tháng 4 năm 2019). “Huyền thoại Hòn Trống Mái và Lễ hội tình yêu”. Báo Thanh Hóa điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  15. ^ a b Trần Mạnh Thường (2005). Việt Nam – Văn hóa và du lịch. Nhà xuất bản Thông tấn. tr. 883–884, 886. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  16. ^ Lưu Minh Trị (2002). Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam: Thăng Long – Hà Nội. Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin. tr. 333. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2023.
  17. ^ “Đền Độc Cước đã không còn "độc". Báo Nhân Dân điện tử. 21 tháng 7 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  18. ^ Quốc Lê (18 tháng 2 năm 2017). “Thăm đền thờ Tô Hiến Thành nổi tiếng Sầm Sơn”. Báo Tri thức và Cuộc sống. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  19. ^ Phạm Kim Thanh (13 tháng 7 năm 2016). “Đền thờ Tô Hiến Thành”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2023.
  20. ^ Bùi Văn Việt, Phạm Lan Hương (2007). “Thần Độc Cước, một trong ba vị Thành hoàng làng Vẽ”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 271. Bộ Văn hóa – Thông tin. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.








ApplySandwichStrip

pFad - (p)hone/(F)rame/(a)nonymizer/(d)eclutterfier!      Saves Data!


--- a PPN by Garber Painting Akron. With Image Size Reduction included!

Fetched URL: http://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_L%E1%BB%87

Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy