Content-Length: 604116 | pFad | http://vi.wikipedia.org/wiki/Salzburg

Salzburg – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Salzburg

47°48′0″B 13°02′0″Đ / 47,8°B 13,03333°Đ / 47.80000; 13.03333
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Salzburg
Từ trên xuống, từ trái sang phải: quang cảnh Pháo đài Hohensalzburg, Đại học Salzburg phía trước Salzach với Tu viện Nonnberg, Nhà thờ Salzburg, Roittner-Durchhaus, Getreidegasse
Hiệu kỳ của Salzburg
Hiệu kỳ
Huy hiệu của Salzburg
Huy hiệu
Vị trí trong quận Statutarstadt
Vị trí trong quận Statutarstadt
Salzburg trên bản đồ Salzburg
Salzburg
Salzburg
Salzburg trên bản đồ Áo
Salzburg
Salzburg
Vị trí bên trong Áo
bang Áo
BangSalzburg
HuyệnThành phố pháp định
Đặt tên theosalt trade
Chính quyền
 • Thị trưởngHarald Preuner (ÖVP)
Diện tích[1]
 • Tổng cộng65,65 km2 (2,535 mi2)
Độ cao424 m (1,391 ft)
Dân số (1 tháng 6 2020)[2]
 • Tổng cộng156,872
 • Mật độ0,024/km2 (0,062/mi2)
Múi giờUTC+1, UTC+2
 • Mùa hè (DST)CEST (UTC+2)
Mã bưu chính5020
Mã vùng0662
Biển số xeS
Thành phố kết nghĩaVilnius
Websitewww.stadt-salzburg.at
Tên chính thứcTrung tâm lịch sử của thành phố Salzburg
Tiêu chuẩnVăn hóa: (ii), (iv), (vi)
Tham khảo784
Công nhận1996 (Kỳ họp 20)
Diện tích236 ha
Vùng đệm467 ha
Khu phố cổ Salzburg và Pháo đài Hohensalzburg

Salzburg (Tiếng Đức Áo: [ˈsaltsbʊʁk]; tiếng Đức: [ˈzaltsbʊʁk] ;[note 1] nghĩa đen là "Salt Fortress" hay "Pháo đài muối"; tiếng Bayern: Soizbuag) là thủ phủ của tiểu bang cùng tên thuộc Cộng hòa Áo. Với 150.269 dân cư, Salzburg là thành phố lớn thứ tư của Áo sau Viên, GrazLinz.

Thị trấn nằm trên địa điểm của khu định cư La Mã trước đây của Iuvavum. Salzburg được thành lập như một tòa giám mục vào năm 696 và trở thành trụ sở của tổng giám mục vào năm 798. Nguồn thu nhập chính của nó là khai thác và buôn bán muối và đôi khi là khai thác vàng. Pháo đài Hohensalzburg, một trong những pháo đài thời trung cổ lớn nhất ở châu Âu, có từ thế kỷ 11. Vào thế kỷ 17, Salzburg đã trở thành một trung tâm của Phong trào Phản Cải cách, nơi các tu viện và nhiều nhà thờ Baroque được xây dựng.

Do đó, trung tâm thành phố cổ ở Salzburg (tiếng Đức: Altstadt) nổi tiếng với kiến trúc Baroque và là một trong những trung tâm thành phố được bảo tồn tốt nhất ở phía bắc dãy Alps với 27 nhà thờ. Nó đã được liệt kê là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1996. Thành phố có ba trường đại học và một lượng lớn sinh viên. Khách du lịch cũng đến thăm Salzburg để tham quan trung tâm thành phố cổ và vùng Alps tuyệt đẹp xung quanh. Salzburg là nơi sinh của nhà soạn nhạc thế kỷ 18, Wolfgang Amadeus Mozart. Vì lịch sử, văn hóa và các điểm tham quan của nó, Salzburg đã được coi là "thành phố truyền cảm hứng nhất" của Áo.[7]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Thánh Rupert của Salzburg, Giám mục đầu tiên của Salzburg và là vị thánh bảo hộ của bang Salzburg
Đọc bài chính về Lịch sử bang Salzburg

Từ Tiền sử đến Trung kỳ Trung Cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Vùng đất thuộc thành phố Salzburg ngày nay đã có người sinh sống từ Thời đại đồ đá mới. Đặc biệt là tại Rainberg đã có người sinh sống liên tục từ Thời đại đồ đá mới cho tới khi người La Mã đến đây dưới thời Hoàng đế Augustus năm 15 TCN. Thêm vào đó là các vùng dân cư của người Celt. Sau khi bị người La Mã chiếm giữ, các vùng dân cư trên các ngọn đồi núi được dời về trung tâm thành phố cổ. Thành phố La Mã Juvavum được thành lập từ đấy và được xem như một đô thị La Mã vào năm 45 sau Công nguyên. Thành phố đã phát triển nhanh chóng đặc biệt là ở tả ngạn sông Salzach, nơi sông Salzach và núi Mönchsberg tạo thành thế phòng thủ tốt và chỉ cần xây đắp công sự bảo vệ vững chắc ở về phía nam là hướng trống. Chỉ vài thập niên sau đó Juvavum đã trở thành một trung tâm hành chánh quan trọng của tỉnh La Mã Noricum dưới thời Hoàng đế Claudius.Sau khi biên giới Noricum sụp đổ, Juvavum suy tàn mạnh đến nỗi vào cuối thế kỷ thứ 7, nó gần như chỉ còn là một đống đổ nát.[8]

Năm 699, công tước Theodo xứ Bayern đã tặng phần còn lại của thành phố La Mã xưa cổ này cho Giám mục Rupert của Salzburg để truyền đạo vào khu vực. Tên Salzburg được biết đến lần đầu tiên vào năm 755. Năm 739, Salzburg trở thành nơi cư ngụ chính của Giám mục. Nhà thờ lớn đầu tiên của Salzburg được hoàn thành năm 744. Thể theo lời thỉnh cầu của Vua Frank Charlemagne, Giáo hoàng Leo III đã nâng Salzburg lên thành địa hạt của tổng Giám mục.

Tên Salzburg có nghĩa là "Lâu đài Muối" (tiếng Latinh: Salis Burgium). Cái tên này bắt nguồn từ những chiếc sà lan chở muối trên sông Salzach, nơi bị thu phí vào thế kỷ thứ 8 theo phong tục của nhiều cộng đồng và thành phố trên các con sông ở châu Âu.

Giữa và cuối thời Trung cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Salzburg sau đó thuộc về Vương quốc Đông Francia, sau này là Thánh chế La Mã.

Pháo đài Hohensalzburg được bắt đầu xây dựng dưới thời tổng Giám mục Gebhard của Salzburg trong năm 1077.[9] Vì Gebhard đứng về phía của giáo hoàng trong cuộc tranh chấp phong chức (Investiture Controversy) năm 1076 và năm 1077 đứng về phía của vị vua đối nghịch là Rudolf của Schwaben, nên vị tổng Giám mục đã bị Hoàng đế Heinrich IV của Thánh chế La Mã trục xuất vì tội phản bội sau khi cuộc tranh chấp chấm dứt.

Thành phố đã bị các bá tước của Plain, vốn trung thành với hoàng đế, phá hủy trong đêm 4 rạng sáng ngày 5 tháng 4 năm 1167 vì tổng Giám mục Konrad II của Babenberg đã tiếp nhận cai quản Salzburg mà không có sự đồng ý của hoàng đế Thánh chế La Mã.

Tổng Giám mục Eberhard của Regensberg, người đứng về phía của dòng Staufer, đã thành công trong việc tái lập một địa hạt tổng Giám mục thống nhất trong thời gian 1200 đến 1246. Từ đấy ảnh hưởng của Salzburg ngày càng lớn mạnh.

Salzburg trong thời kỳ Baroque

[sửa | sửa mã nguồn]
Khu phố cổ và pháo đài nhìn từ Kapuzinerberg

Đầu thế kỷ 17, Tổng Giám mục Wolf Dietrich của Raitenau đã cho cải tạo lại thành phố Salzburg, mang lại cho khu phố cổ nét đặc trưng cho đến ngày hôm nay.[10] Năm 1598 Vincenzo Scamozzi được mời xây dựng lại Nhà thờ lớn Salzburg đã bị cháy đến lần thứ 8. Do mâu thuẫn về việc bán muối và thuế với Bayern, Wolf Dietrich đã chiếm lĩnh vùng đất Berchtesgarden năm 1611. Ngay sau đấy Bayern đã chiếm đóng Salzburg và tổ chức bầu Markus Sittikus của Hehenems thay thế Wolf Dietrich. Nhờ chính sách trung lập thận trọng và khéo léo, Paris của Lordon, người kế nhiệm Markus Sittikus, đã thành công trong việc đưa Salzburg đứng ngoài cuộc Chiến tranh 30 năm.

Chỉ vài năm sau khi Martin Luther công bố các luận đề của ông đa số người dân Salzburg đều rất cởi mở đối với đạo Tin Lành. Thêm vào đó là sự bất bình của người dân đối với chính thể chuyên chế của tổng Giám mục Matthäus Lang của Wellenburg. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân năm 1525 một lần nữa lại biểu lộ sự đồng tình của nhiều người dân đối với đạo Tin Lành. Ngay từ trước năm 1590 gần như toàn bộ các gia đình theo đạo Tin Lành trong thành phố Salzburg đều phải rời bỏ đất nước. Trẻ em dưới 15 tuổi thường bị bỏ lại và được bốc thăm chia về cho các gia đình theo Công giáo. Cuối cùng, năm 1731, tổng Giám mục Leopold Anton của Firmian cùng với thủ tướng là Christani di Rallo đã ra lệnh trục xuất tiếp tục 20.000 người dân Salzburg theo đạo Tin Lành. Đầu tiên, vào cuối mùa thu năm 1731, 4.000 nam nữ làm tôi tớ đã bị bắt giam và trục xuất. Trong tháng 4 năm 1732 nhiều gia đình thợ thủ công và nông dân tiếp tục bị trục xuất. Gần ¼ những người bị trục xuất đã chết do không chịu đựng được cực khổ của chuyến đi đày. Mãi đến năm 1740, do vua Phổ can thiệp nhiều lần, những người bị trục xuất này mới được đền bù một phần. Mặc dù chính sách trục xuất phù hợp với luật lệ đương thời (cuius regio, eius religio - lãnh chúa quyết định tôn giáo của thần dân) nhưng việc này đã bị cả châu Âu không đồng tình. Việc dân số giảm đi qua việc trục xuất đã mang lại nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế cho vùng đất Salzburg. Năm 1966 tổng Giám mục Andreas Rohracher đã bài tỏ sự hối tiếc sâu đậm của ông về việc trục xuất và kêu gọi thương yêu cũng như tôn trọng lẫn nhau.

Từ 1772 đến 1803, dưới thời cầm quyền của tổng Giám mục Hieronymus Franz Josef Collodero của Wallsee và Mels, Salzburg đã trở thành trung tâm của thời kỳ Khai sáng. Hệ thống trường học được cải tổ theo gương mẫu Áo và nhiều nhà khoa học cũng như nghệ thuật đã được gọi về Salzburg.

Salzburg sau thời thế tục hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Đạo luật thế tục hóa các lãnh địa tôn giáo năm 1803 đã chấm dứt sự cai trị các Tổng Giám mục Salzburg. Thành phố cùng với FreisingPassau trở thành lãnh địa của Đại công tước Ferdinando III của Toscana. Năm 1805, cùng với Berchtesgaden, Salzburg được chia cho Đế quốc Áo, năm 1810 lại trở thành một phần của Bayern. Năm 1816, sau Đại hội Viên, Salzburg lại thuộc về Áo và trở thành một phần của Thượng Áo (Oberösterreich).

Các cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành theo luật bầu cử vào năm 1919. Cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Áo-Đức được tiến hành vào ngày 29 tháng 5 năm 1921.

Thời kỳ Quốc xã và Chiến tranh thế giới thứ hai

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới chế độ Quốc xã độc tài, vào ngày 30 tháng 4 năm 1938 đã xảy ra việc đốt sách, nhiều người Do Thái cũng như chính trị gia đối lập đã bị bắt giữ. Trong khuôn khổ của cái được gọi là Kristallnacht Nhà thờ Do Thái Salzburg đã bị phá hủy vào ngày 9 tháng 11.

15 cuộc ném bom của phi cơ quân đội Mỹ trong thời gian 1944/1945 đã phá hủy hay làm hư hại 7.600 hộ dân cư, 14.563 người mất nhà cửa, hơn 550 người chết.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến ngày nay

[sửa | sửa mã nguồn]
Salzburg và Pháo đài Hohensalzburg

Quân đội Mỹ tiến vào Salzburg ngày 4 tháng 5 năm 1945, tiếp nhận thành phố từ quân đội Đức dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hans Lepperdinger. Người Mỹ đã đưa Richard Hildmann vào chức vụ thị trưởng. Các đảng chính trị như Đảng Xã hội Dân chủ Áo, Đảng Nhân dân ÁoĐảng Cộng sản Áo được thành lập. Nhiều làn sóng người tỵ nạn không quê hương (Displaced Persons), người gốc Đức và người Do Thái đã tràn vào thành phố. Trong tháng 12 năm 1946 trong khu vực Salzburg đã có khoảng 13.200 người tỵ nạn, chủ yếu từ Đông ÂuTrung Âu. Nhiều trại tỵ nạn đạ được thành lập, trong số đó nổi tiếng nhất là trại Parsch.

Salzburg là nơi tổ chức Hội nghị các tiểu bang vào ngày 26 tháng 9. Salzburg là bang đầu tiên đã kêu gọi tái thành lập nước Cộng hòa Áo và công nhận chính phủ quốc gia tại Wien. Salzburg cũng như nhiều phần của vùng Steiermark trở thành Vùng chiếm đóng của quân đội Mỹ. Salzburg là nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh. Trong những tuần đầu tiên, lực lượng chiếm đóng đã tịch thu nhiều căn nhà và điều hành toàn bộ Salzburg, nhưng sau đó đã chuyển sang hợp tác với chính quyền của tiểu bang và của thành phố. Ngoại trừ một vài cuộc tấn công riêng lẻ, người dân Salzburg đã hợp tác với lực lượng chiếm đóng. Nhờ vào sự giúp đỡ lớn về kinh tế (Kế hoạch Marshall) mà nền kinh tế Salzburg đã nhanh chóng khôi phục.

Khách sạn châu Âu cao 16 tầng, cho đến nay vẫn là tòa nhà cao nhất Salzburg, được khai trương vào ngày 15 tháng 7 năm 1957. Ý kiến của người Salzburg về tòa nhà này cho đến nay vẫn đa dạng: từ "vết nhơ của thập niên 50" cho đến "cần được bảo vệ". Vào ngày 1 tháng 5 năm 1959, buổi lễ đầu tiên được tiến hành trong Nhà thờ lớn Salzburg vừa được tái kiến thiết.

Vào ngày 5 tháng 7 năm 1962, sau hơn 150 năm gián đoạn, Trường Đại học Salzburg (Universität Salzburg) đã được tái thành lập với khoa Công giáo-Thần học và khoa Triết. Khoa Triết sau đó được mở rộng thành khoa Khoa học Xã hội rồi thành khoa Khoa học Xã hội và Văn hóa. Khoa Khoa học Tự nhiên được thành lập vào ngày 3 tháng 10 năm 1986.

Phần lớn khu phố cổ trở thành khu dành riêng cho người đi bộ từ ngày 9 tháng 7 năm 1973.

Trong tháng 10 năm 2003, trường Đại học Y khoa Paracelsus bắt đầu hoạt động, là trường đại học y khoa tư nhân đầu tiên của nước Áo.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Salzburg nằm trong lòng chảo Salzburg, mang nhiều ảnh hưởng của sông Salzach và các đồi núi chung quanh thành phố vẫn còn nguyên trạng tự nhiên. Nhờ vậy, nội thành Salzburg là một trong các nội thành có nhiều cây xanh nhất của châu Âu. Thuộc thành phố Salzburg bao gồm các núi Festungsberg (với Pháo đài Hohensalzburg), Mönchsberg, Rainberg (Salzburg)Kapuzinerberg. Ở phía nam của Salzburg là các núi Hellbrunner BergMorzger Hügel, trong khu phố Altliefering là đồi Grafenhügel.

Về phía tây nam của thành phố là núi Untersberg cao 1.853 m và về phía đông nam là núi Gaisberg (Salzburg) cao 1.288 m. Cạnh khu rừng ven sông Salzach là vùng đồi Flachgau với núi Plainberg. Về phía tây bắc thành phố Salzburg giáp ranh với bang Bayern của Đức, sông Salzach là biên giới với thành phố Freilassing thuộc Đức.

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Salzburg thuộc vùng ôn đới. Phân loại khí hậu Köppen chỉ rõ khí hậu là khí hậu lục địa ẩm (Dfb), tuy nhiên, với đường đẳng nhiệt −3 °C (27 °F) của tháng lạnh nhất, Salzburg có thể được phân loại là có khí hậu đại dương bốn mùa với sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể giữa các mùa. Do vị trí nằm ở rìa phía bắc của dãy Alps, lượng mưa tương đối cao, chủ yếu xuất hiện vào các tháng mùa hè. Mưa phùn được gọi là Schnürlregen theo phương ngữ địa phương. Vào mùa đông và mùa xuân, thường xuyên có gió foehn.

Dữ liệu khí hậu của Salzburg-Flughafen (LOWS) 1981–2010, extremes 1874–present
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Cao kỉ lục °C (°F) 20.8
(69.4)
21.7
(71.1)
24.9
(76.8)
30.3
(86.5)
34.1
(93.4)
35.7
(96.3)
37.7
(99.9)
36.6
(97.9)
33.3
(91.9)
28.2
(82.8)
24.1
(75.4)
19.1
(66.4)
37.7
(99.9)
Trung bình ngày tối đa °C (°F) 3.2
(37.8)
5.4
(41.7)
10.2
(50.4)
15.2
(59.4)
20.3
(68.5)
22.7
(72.9)
25.1
(77.2)
24.4
(75.9)
20.0
(68.0)
15.2
(59.4)
8.2
(46.8)
3.8
(38.8)
14.5
(58.1)
Trung bình ngày °C (°F) −1.1
(30.0)
0.3
(32.5)
4.6
(40.3)
8.9
(48.0)
14.0
(57.2)
16.8
(62.2)
18.9
(66.0)
18.2
(64.8)
14.0
(57.2)
9.4
(48.9)
3.7
(38.7)
0.0
(32.0)
9.0
(48.2)
Tối thiểu trung bình ngày °C (°F) −4.0
(24.8)
−3.0
(26.6)
0.7
(33.3)
4.3
(39.7)
8.9
(48.0)
12.1
(53.8)
14.0
(57.2)
13.8
(56.8)
10.3
(50.5)
6.0
(42.8)
0.9
(33.6)
−2.5
(27.5)
5.1
(41.2)
Thấp kỉ lục °C (°F) −30.4
(−22.7)
−30.6
(−23.1)
−21.6
(−6.9)
−9.2
(15.4)
−3.4
(25.9)
−0.1
(31.8)
3.7
(38.7)
2.0
(35.6)
−3.0
(26.6)
−8.3
(17.1)
−18.0
(−0.4)
−27.7
(−17.9)
−30.6
(−23.1)
Lượng Giáng thủy trung bình mm (inches) 59
(2.3)
53
(2.1)
87
(3.4)
78
(3.1)
115
(4.5)
151
(5.9)
158
(6.2)
164
(6.5)
112
(4.4)
73
(2.9)
72
(2.8)
72
(2.8)
1.195
(47.0)
Lượng tuyết rơi trung bình cm (inches) 23
(9.1)
24
(9.4)
18
(7.1)
2
(0.8)
0
(0)
0
(0)
0
(0)
0
(0)
0
(0)
0
(0)
10
(3.9)
24
(9.4)
101
(40)
Độ ẩm tương đối trung bình (%) (at 14:00) 71.4 63.5 56.9 51.3 51.2 54.3 52.6 55.2 58.4 61.9 70.0 74.9 60.1
Nguồn 1: Central Institute for Meteorology and Geodynamics[11][12][13][14][15]
Nguồn 2: Meteo Climat (record highs and lows)[16]
Lịch sử dân số
NămSố dân±%
1869 27.858—    
1880 33.241+19.3%
1890 38.081+14.6%
1900 48.945+28.5%
1910 56.423+15.3%
1923 60.026+6.4%
1934 69.447+15.7%
1939 77.170+11.1%
1951 102.927+33.4%
1961 108.114+5.0%
1971 129.919+20.2%
1981 139.426+7.3%
1991 143.978+3.3%
2001 142.662−0.9%
2011 145.367+1.9%
2016 150.887+3.8%
Source: Statistik Áo[18]
Nhóm cư dân nước ngoài lớn nhất[19]
Quốc tịch Dân số (1.1.2020)
 Đức 7,500
 Bosna và Hercegovina 5,240
 Serbia 4,807
 Romania 2,756
 Thổ Nhĩ Kỳ 2,476
 Croatia 2,422
 Syria 1,810
 Afghanistan 1,581
 Hungary 1,571
 Ý 1,128
 Nga 1,030

Năm 2018, 31% tổng dân số là người nước ngoài sinh ra theo Statistik Austria.

Dân số Salzburg phát triển nhảy vọt trong năm 1935 từ 40.232 lên đến 63.275 người do sáp nhập nhiều làng lân cận. Trong thời gian sau Chiến tranh thế giới thứ hai dân số Salzburg một lần nữa lại tăng nhảy vọt do nhiều người tỵ nạn chiến tranh, đặc biệt là người gốc Đức, đã chọn thành phố này làm quê hương thứ hai. Từ khoảng năm 1950 Salzburg trở thành thành phố lớn do dân cư vượt quá ngưỡng 100.000 người. Trong năm 2006, 150.000 người có nơi cư ngụ chính trong Salzburg.

Ngôn ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Đức ở Áo được viết rộng rãi và chỉ khác với biến thể tiêu chuẩn của Đức ở một số từ vựng và một vài điểm ngữ pháp. Salzburg thuộc về khu vực phương ngữ Áo-Bayern, đặc biệt là phương ngữ Trung Bayern.[20] Nó được nói rộng rãi bởi cả người trẻ và người già mặc dù các giáo sư ngôn ngữ học từ Đại học Salzburg, Irmgard Kaiser và Hannes Scheutz đã chứng kiến sự giảm số lượng người nói phương ngữ trong thành phố trong vài năm qua.[21][22] Mặc dù ngày càng có nhiều trẻ em học nói tiếng Đức chuẩn, Scheutz cảm thấy điều đó ít liên quan đến ảnh hưởng của cha mẹ mà liên quan nhiều hơn đến việc sử dụng phương tiện truyền thông.[23]

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]
Quang cảnh từ Mönchsberg

Romanesque và Gothic

[sửa | sửa mã nguồn]

Các nhà thờ, các tu viện và những ngôi nhà có khung sườn đầu tiên theo phong cách RomanesqueGothic đã thống trị thành phố thời trung cổ trong một thời gian dài. Nhà thờ Tổng giám mục Conrad của Wittelsbachvương cung thánh đường lớn nhất ở phía bắc dãy Alps. Dàn hợp xướng của Nhà thờ Franziskanerkirche được khởi công xây dựng bởi Hans von Burghausen và hoàn thành bởi Stephan Krumenauer, là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo kiểu gothic uy tín nhất của miền nam nước Đức. Vào cuối thời kỳ Gothic, nhà thờ thuộc giáo hội "Nonnberg", Nhà nguyện Margaret ở Nghĩa trang Thánh Peter, Nhà nguyện Thánh George và các sảnh trang nghiêm của "Hoher Stock" ở Pháo đài Hohensalzburg đã được xây dựng.

Renaissance và baroque

[sửa | sửa mã nguồn]

Lấy cảm hứng từ Vincenzo Scamozzi, Vương công - Tổng giám mục Wolf Dietrich von Raitenau đã bắt đầu chuyển đổi thị trấn thời Trung cổ sang những lý tưởng kiến trúc của cuối thời kỳ Phục hưng. Kế hoạch xây dựng một nhà thờ lớn của Scamozzi không thành hiện thực khi vị tổng giám mục thất thủ. Nhà thờ thứ hai do Santino Solari quy hoạch đã trở thành nhà thờ Baroque sơ khai đầu tiên ở Salzburg. Nó từng là hình mẫu cho nhiều nhà thờ khác ở Nam Đức và Áo. Markus SittikusParis von Lodron tiếp tục tái thiết thành phố với các công trình lớn như Cung điện Hellbrunn, dinh thự của Vương công - Tổng giám mục, các tòa nhà đại học, công sự, và nhiều công trình khác. Giovanni Antonio Daria quản lý việc xây dựng giếng nước theo lệnh của Hoàng tử Tổng giám mục Guido von Thun. Giovanni Gaspare Zuccalli theo lệnh của cùng một vị tổng giám mục, đã tạo ra nhà thờ Erhard và Kajetan ở phía nam thị trấn. Việc thiết kế lại thành phố đã được hoàn thành với các tòa nhà được thiết kế bởi Johann Bernhard Fischer von Erlach, được tặng bởi Vương công - Tổng giám mục Johann Ernst von Thun.

Sau thời đại của Ernst von Thun, sự mở rộng của thành phố bị dừng lại, đó là lý do tại sao không có nhà thờ nào được xây dựng theo phong cách Rococo. Sigismund von Schrattenbach tiếp tục với việc xây dựng "Sigmundstor" và tượng thánh Maria trên quảng trường nhà thờ. Với sự sụp đổ và sự phân chia của "Fürsterzbistum Salzburg" (Tòa Tổng Giám mục) trước đây thành Thượng Áo, Bayern (Rupertigau) và Tyrol (Zillertal Matrei) bắt đầu một thời kỳ dài đô thị đình trệ. Kỷ nguyên này không kết thúc trước khi thời kỳ chủ nghĩa sáng lập (Gründerzeit) mang lại cuộc sống mới cho sự phát triển đô thị. Vương triều xây dựng Jakob CeconiCarl Freiherr von Schwarz đã lấp đầy những vị trí quan trọng trong việc định hình thành phố trong thời đại này.[24]

Chủ nghĩa hiện đại cổ điển và chủ nghĩa hiện đại sau chiến tranh

[sửa | sửa mã nguồn]

Các tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại cổ điển và đặc biệt là chủ nghĩa hiện đại hậu chiến thường xuyên được bắt gặp ở Salzburg. Ví dụ như ngôi nhà Zahnwurzen (một ngôi nhà ở Linzergasse 22 ở trung tâm bên phải của khu phố cổ), "Lepi" (nhà tắm công cộng ở Leopoldskron) (được xây dựng năm 1964) và trung tâm đại hội được xây dựng năm 1957 ban đầu của Salzburg, đã được thay thế bởi một tòa nhà mới vào năm 2001. Một ví dụ quan trọng và nổi tiếng về kiến trúc của thời đại này là việc khai trương Großes Festspielhaus năm 1960 bởi Clemens Holzmeister.

Kiến trúc đương đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Thêm kiến trúc đương đại vào khu phố cổ Salzburg với nguy cơ không được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, một số cấu trúc mới đã được thêm vào: Mozarteum tại Vườn Mirabell kiểu Baroque (Kiến trúc Robert Rechenauer),[25] Nhà Quốc hội năm 2001 (Kiến trúc: Freemasons), Unipark Nonntal năm 2011 (Kiến trúc: Storch Ehlers Partners), năm 2001 " Cầu Makartsteg "(Kiến trúc: HALLE1) và" Khu dân cư và Nhà Studio "của hai kiến trúc sư ChristineHorst Lechner ở giữa khu phố cổ của Salzburg (người đoạt giải kiến trúc Salzburg 2010).[26][27] Các ví dụ khác về kiến trúc đương đại nằm bên ngoài khu phố cổ: tòa nhà Khoa Khoa học (Đại học Salzburg - Kiến trúc Willhelm Holzbauer) được xây dựng trên rìa của không gian xanh tự do, kiến trúc khối của Red Bull Hangar‑7 (Kiến trúc: Volkmar Burgstaller[28]) tại Sân bay Salzburg, nơi có Flying Bulls của Dietrich Mateschitz và Trung tâm Mua sắm Europark. (Kiến trúc: Massimiliano Fuksas)

Các quận

[sửa | sửa mã nguồn]
Các quận của Salzburg

Salzburg có hai mươi bốn quận nội thành và ba quận ngoại thành. Các quận nội thành ( Stadtteile ):

  • Aigen
  • Altstadt
  • Elisabeth-Vorstadt
  • Gneis
  • Gneis-Süd
  • Gnigl
  • Itzling
  • Itzling-Nord
  • Kasern
  • Langwied
  • Lehen
  • Leopoldskron-Moos
  • Liefering
  • Maxglan
  • Maxglan-West
  • Morzg
  • Mülln
  • Neustadt
  • Nonntal
  • Parsch
  • Riedenburg
  • Salzburg-Süd
  • Taxham
  • Schallmoos

Các quận ngoại thành ( Landschaftsräume ):

Chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Đường lối chính trị của thành phố mang dấu ấn bảo thủ cho đến giữa thế kỷ 20. Năm 1914 Robert Preußler là người của Đảng Xã hội Dân chủ Áo đầu tiên trong hội đồng thành phố Salzburg. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Richard Hildmann, người từ 1935 đến 1938 đã là thị trưởng thành phố, được Ủy ban quân quản của Mỹ cử vào chức vụ thị trưởng tạm thời vào ngày 5 tháng 5 năm 1945. Từ 1999 chức vụ thị trưởng được người dân bầu trực tiếp. Thị trưởng thành phố từ 1999Heinz Schaden (Đảng Xã hội Dân chủ Áo).

Thắng cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà thờ Salzburg
Những khu vườn trong Cung điện Mirabell, với Pháo đài Hohensalzburg ở phía xa
Góc nhìn của những người mua sắm ở Getreidegasse, một trong những con đường lâu đời nhất ở Salzburg
The Red Bull Hangar-7

Salzburg là một địa điểm yêu thích của du khách, với số lượng du khách đông cấp nhiều lần người dân địa phương trong thời gian cao điểm. Ngoài nơi sinh của Mozart đã nêu ở trên, những địa điểm đáng chú ý khác bao gồm:

Phố cổ

Bên ngoài khu phố cổ

  • Schloss Leopoldskron, một cung điện rococo và di tích lịch sử quốc gia ở Leopoldskron-Moos, một quận phía nam của Salzburg
  • Hellbrunn với các công viên và lâu đài
  • Các công ty du lịch điều hành các chuyến tham quan các địa điểm quay phim Giai điệu hạnh phúc.
  • Hangar-7, một tòa nhà đa chức năng thuộc sở hữu của Red Bull với một bộ sưu tập máy bay, trực thăng và xe đua Công thức Một cổ

Khu vực Đại Salzburg

  • Lâu đài Anif nằm ở phía nam thành phố Anif
  • [[Đền Đức Mẹ Maria Plain, một nhà thờ cuối thời Baroque ở rìa phía bắc của Salzburg
  • Salzburger Freilichtmuseum Großgmain, một bảo tàng ngoài trời chứa các trang trại cũ từ khắp tiểu bang được tập hợp trong một khung cảnh cổ
  • Schloss Klessheim, một cung điện và sòng bạc, trước đây được sử dụng bởi Adolf Hitler
  • Berghof, nơi ẩn náu trên núi của Hitler gần Berchtesgaden
  • Kehlsteinhaus, phần còn lại duy nhất của Berghof của Hitler
  • Salzkammergut, một khu vực hồ phía đông thành phố
  • Núi Untersberg, bên cạnh thành phố ở biên giới Áo-Đức, với tầm nhìn toàn cảnh Salzburg và dãy Alps xung quanh
  • Trượt tuyết là một điểm thu hút trong mùa đông. Bản thân Salzburg không có cơ sở trượt tuyết nhưng nó hoạt động như một cửa ngõ dẫn đến các khu trượt tuyết ở phía nam. Trong những tháng mùa đông, sân bay của nó nhận các chuyến bay thuê từ khắp châu Âu.
  • Vườn thú Salzburg, nằm ở phía nam thành phố Anif

Thành phố âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]
Großes Festspielhaus (Nhà lễ hội Lớn), một trong những nơi tổ chức hòa tấu âm nhạc trong dịp Lễ hội Salzburg

Ngay từ thời tổng Giám mục Arn của Salzburg thành phố đã có truyền thống về âm nhạc. Danh tiếng của thành phố âm nhạc Salzburg vang dội đến mức năm 870 Giáo hoàng Johannes VIII đã phải nhờ cậy vị tổng Giám mục Salzburg cử về một cây đàn ống cùng vời người chơi đàn đến Tòa thánh Vatican để phục vụ. Dưới thời của hầu tước-tổng Giám mục Eberhard của Regensberg, nhà thơ và nhà soạn nhạc danh tiếng Neidhart của Reuental đã sống và sáng tác tại đây. Năm 1424 Oswald của Wolkenstein (1377-1445) cũng đã lưu lại Salzburg dưới thời của tổng Giám mục Eberhard III của Neuhaus.

Dưới thời của hầu tước-tổng Giám mục Mathäus Lang của Wellenburg, cũng là một nhạc sĩ tài năng, nhiều nhà soạn nhạc đã sống và sáng tác tại Salzburg như Heirich Fink, Caspar Clanner và "vua đàn ống" Paul Hofhaimer. Nhà soạn nhạc nhà thờ theo đạo Tin Lành Paul Speratus cũng đã sống tại đây cho đến khi bị trục xuất. Năm 1591 hầu tước-tổng Giám mục Wolf Dietrich đã cho tái thành lập dàn nhạc trong cung điện và đội đồng ca nhà thờ với 78 nhạc sĩ.

Vào ngày 27 tháng 1 năm 1614 Markus Sittikus của Hohenems khánh thành nhà hát mới trong cung điện với các buổi trình diễn opera đầu tiên ngoài nước Ý.

Người con vĩ đại của Salzburg, Wolfgang Amadeus Mozart, ra đời năm 1756. Thế nhưng quan hệ giữa Mozart và vị hầu tước-tổng Giám mục Collero, cũng là một người chơi đàn vĩ cầm xuất sắc, đã đỗ vỡ. Mozart cho rằng ông không được ủng hộ đầy đủ. Sau khi Salzburg sáp nhập vào Áo (1816) truyền thống của dàn nhạc cung điện tắt dần

Franz Xaver Gruber, người sáng tác giai điệu cho bài hát Đêm Yên lặng, ra đời tại Salzburg năm 1792.

Buổi lễ khánh thành đài tưởng niệm Mozart đầu tiên năm 1842 bắt đầu cho truyền thống Lễ hội Mozart. Quỹ quốc tế Marateum được thành lập năm 1870, Trường Âm nhạc Mazarteum năm 1880, sau này trở thành Trường Đại học Âm nhạc Mozarteum. Clemens Krauss, Berhard Paumgartner, sau đấy là Klaus Ager cũng như là Gerhard Wimberger và nhiều người khác đã hoạt động tại đây.

Một số sự kiện âm nhạc:

Hội họa

[sửa | sửa mã nguồn]
Bích họa trong Tu viện Melk của Johann Michael Rottmayr

Hội họa thời Trung cổ trong Salzburg mang dấu ấn của các dòng tu. Quyển sách giai điệu nhạc của Tu viện Thánh Peter là một trong những công trình quan trọng nhất của việc minh họa sách thời Trung cổ trong vùng núi Alps. Nhiều công trình minh họa sách thời Romanesque và Gothic cũng hình thành tại đây. Cũng nổi tiếng là các bức bích họa trong Tu viện Nonnberg. Tại đây vẫn còn giữ được một bức kính cửa sổ thời Gothic. Các nghệ sĩ Salzburg nổi tiếng thời Gothic là Rueland FrueaufConrad Laib. Họa sĩ Salzburg nổi tiếng trong thời Cận đại là Hans Bocksberger. Các họa sĩ thời Baroque đầu tiên và nổi tiếng nhất trong vùng nam Đức và Áo là họa sĩ Salzburg Johann Michael RottmayrMartino Altomonte. Vào thời Lãng mạn Salzburg được nhiều họa sĩ "tái khám phá", đặc biệt là Ferdinand Olivier, Adrian Ludwig Richter và sau đó là Johann Fischbach. Các bức tranh tôn vinh Salzburg của họ và các tác phẩm về lữ hành đã tạo nền tảng cho ngành du lịch Salzburg. Andreas Nesselthaler, Rudolf von AltHubert Sattler cũng đã vẽ nhiều tranh phong cảnh Salzburg và vùng phụ cận. Sáng tác cùng thời kỳ này là họa sĩ Hans Makart sinh tại Salzburg, người đã có nhiều ảnh hưởng đến thế hệ họa sĩ trẻ.

Sống và sáng tác tại Salzbubrg sau Chiến tranh thế giới thứ nhấtAnton Faistauer, người đã vẽ nhiều bức bích họa lớn trong Nhà thờ Mortg và Nhà lễ hội Salzburg cũng như nhiều tranh sơn dầu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Oskar Kokoschka đã thành lập Học viện mùa hè quốc tế dành cho hội họa. trong Pháo đài Hohensalzburg.

Điêu khắc

[sửa | sửa mã nguồn]

Hầu hết các tác phẩm điêu khắc thời Trung cổ đều mang tính tôn giáo. Các nhà điêu khác có tên tuổi cuối thời Gothic tại Salzburg là Michael PacherVeit Stoß. Michael Pacher đã sáng tạo một trong các bàn thờ lớn nhất và đẹp nhất Trung Âu cho Nhà thờ dòng Phanxicô. Tiếc rằng hiện nay chỉ còn lại bức tượng Đức Mẹ. Nổi tiếng thời Baroque là nhà điêu khắc Michael Bernhard Mandl. Nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 18 tại Salzburg mang dấu ấn của Georg Raphael Donner. Cũng sáng tác trong thời kỳ này là Sebastian Stumpfeger, Johann Georg HitzlAnton Pfaffinger. Nổi bật trong số các nhà nghệ thuật của thế kỷ 20Giacomo Manzu với các tác phẩm của ông.

Viện bảo tàng

[sửa | sửa mã nguồn]
Một buổi biểu diễn ngoài trời

Rạp chiếu bóng

[sửa | sửa mã nguồn]

Công ty "Phim nghệ thuật Salzburg" (Salzburger-Kunstfilm) được thành lập năm 1921. Phim tài liệu Die Festspiele 1921 (Các lễ hội 1921) được sản xuất ngay cùng năm. Phim truyện đầu tiên, Die Tragödie des Carlo Prinetti (Bi kịch của Carlo Prinetti) được trình chiếu lần đầu tiên tại Viên vào ngày 29 tháng 1 năm 1924. Thế nhưng công ty đã ngưng hoạt động ngay từ năm 1925 trong cuộc khủng hoảng phim câm Áo. Rạp chiếu bóng Maxglan thời đấy là rạp chiếu bóng lớn thứ hai của Áo.

Rạp chiếu bóng Mozart được xây năm 1905. Tiền thân của rạp chiếu bóng Elmo hình thành năm 1947 và được mở rộng nhiều lần. Trung tâm văn hóa phim ảnh Salzburg tổ chức hằng năm vào mùa thu Lễ hội phim. Ngoài ra Salzburg còn có các rạp chiếu bóng: Central trên đường Linz (Linzer Gasse), Cineplexx Airport được khánh thành năm 1998 trong Airportcenter là một khu mua sắm và vui chơi giải trí, Cineplexx City tại Nhà ga chính được khai trương năm 2001.

Cộng đồng tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Một phòng cầu nguyện của những người Hồi giáo

Cho đến đầu thế kỷ 19, tức là cho đến khi lãnh địa của hầu tước-tổng Giám mục chấm dứt, Salzburg không có sự chia cắt giữa nhà thờ và nhà nước nên thành phố mang ảnh hưởng nhà thờ Công giáo rất lớn. Các khó khăn của cộng đồng Tin Lành, cộng đồng người Do Thái và đặc biệt là việc trục xuất người theo đạo Tin lành là những minh chứng cho việc này. Cho đến ngày nay các tháp nhà thờ vẫn thống trị quang cảnh của thành phố mà đã từng được gọi là Roma phía bắc. Nếu như thế kỷ 18 và đặc biệt là thế kỷ 19 đã mang lại những khả năng đầu tiên cho cuộc sống của các cộng đồng tôn giáo phi Công giáo thì trong nửa sau của thế kỷ 20, chủ yếu vì chiến tranh, trục xuất và hội nhập mà Salzburg đã đa dạng nhiều hơn về mặt tôn giáo.

Người theo đạo Công giáo chiếm 55,6% dân số vẫn là cộng đồng tôn giáo lớn nhất trong Salzburg, vượt xa các cộng đồng tôn giáo còn lại; 6,7% người dân theo đạo Tin Lành. Cộng đồng Chính Thống giáo Đông phương chiếm 5,3% dân số. Người theo đạo Hồi với 6,8% dân số là cộng đồng tôn giáo phi Thiên Chúa giáo lớn nhất. Cộng đồng văn hóa Israel chiếm 0,06% dân số thành phố, các cộng đồng tôn giáo phi Thiên Chúa giáo khác như Phật giáo chiếm 0,06% dân số.

Bên cạnh khoảng 10 nơi cầu nguyện của những người Hồi giáo còn có một nhà thờ Do Thái và một trung tâm Phật giáo cũng như là một nhà thờ Ấn Độ giáo.

Khoảng 17,1% người dân Salzburg không theo đạo giáo và theo thống kê dân số thì không rõ tôn giáo của 6,5% người dân.

Hoạt động giải trí

[sửa | sửa mã nguồn]

Thể thao

[sửa | sửa mã nguồn]
Sân vận động Wals-Siezenheim

Câu lạc bộ chuyên về thể thao lâu đời nhất trong bang Salzburg là Salzburger AK 1914. Tuy vậy Salzburg còn có nhiều hiệp hội thể dục lâu đời hơn: Hội thể dục Salzburg được thành lập năm 1861, Hội thể dục Maxglan năm 1902. Câu lạc bộ bóng đá FC Red Bull Salzburg được thành lập năm 1933 dưới tên SV Austria Salzburg là câu lạc bộ bóng đá có nhiều thành tích nhất của Salzburg. Câu lạc bộ khúc côn cầu trên băng EC Red Bull Salzburg được thành lập năm 1977 dưới tên Salzburger EC hiện đang tái thi đấu trong giải vô địch hạng nhất từ năm 2004; đội nữ khúc côn cầu trên băng đầu tiên của Áo, EC The Ravens Salzburg, đoạt giải vô địch trong mùa 2005/2006. Trong bộ môn American Football còn non trẻ ở Áo, đội Salzburg Bulls đã đoạt giải vô địch năm 1984.

Năm 2003 thành phố Salzburg có thêm một sân vận động bóng đá: Sân vận động Wals-Siezenheim, cũng là nơi tổ chức thi đấu cho Giải vô địch bóng đá châu Âu 2008.

Cho đến nay chỉ có một ít sự kiện thể thao lớn được tổ chức tại Salzburg. Cuộc Chạy việt dã Salzburg (Salzburg-Marathon) được tổ chức lần đầu tiên năm 2005. Giải vô địch thế giới xe đạp trên đường phố được tổ chức tại Salzburg và vùng phụ cận năm 2006. Thành phố cũng đã đăng ký tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 nhưng không được bình chọn.

Cuộc sống về đêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần lớn các địa điểm vui chơi về đêm đều tập trung trong khu phố cổ, đặc biệt là chung quanh Quảng trường Anton Neumayr và cạnh bến sông Rudolf với nhiều quán bia. Hình thành trong những năm gần đây là City Center (Salzburg) cạnh Nhà ga chính và Airportcenter, nơi có nhiều quán disco, rạp chiếu bóng và bar.

Đặc sản ẩm thực

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mozartkugel (Quả cầu Mozart), được gọi nguyên thủy là Kẹo Mazart, do tiệm bánh kẹo Paul Fürst sáng tạo năm 1890 và đặt tên theo Wolfgang Amadeus Mozart, được làm từ bột bánh hạnh nhân và bọc bằng nougat.
  • Salzburger Nockerln là món ăn ngọt tráng miệng (ăn nóng) được làm chủ yếu từ lòng đỏ trứng với đường (đánh thành kem) và bánh gnocchi.
  • Bosna là một loại thức ăn nhanh tương tự như Hot Dog.
  • Kasnockn là một biến cải của mì Spätzle

Sự kiện

[sửa | sửa mã nguồn]

Môi trường và sinh thái

[sửa | sửa mã nguồn]

Salzburg có 41 di tích tự nhiên và 39 cảnh quang được bảo vệ, đáng nhắc đến là: Đại lộ Hellbrunn đặc biệt là với quần thể cây chung quanh, khu đất Kopfweiden am Almkanal với quần thể cây đặc hữu, các khu rừng tự nhiên được bảo tồn trong khu phố Rainberg, Gaisberg, khu rừng ven sông Itzlinger Au, các đồi núi Kapuzinerberg, Rainberg (Salzburg).

Cơ sở hạ tầng

[sửa | sửa mã nguồn]

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]
Cảng hàng không Salzburg
Bản đồ của Hệ thống xe điện ở Salzburg

Cảng hàng không Salzburg (Salzburg Airport W. A. Mozart) của thành phố là cảng hàng không quan trọng thứ nhì của Áo với 1,42 triệu hành khách hằng năm. Số lượng khách tăng nhanh nhờ du lịch mùa đông trong vùng.

Salzburg cũng là một nút giao thông đường sắt quan trọng trong và ngoài nước. Nhà ga chính Salzburg là một trong các nhà ga có lượng khách nhiều nhất Áo. Từ đây có thể đi đến thủ đô liên bang Wien, đi về hướng nam (Villach, Graz, Slovenia, Ý) hay đi đến München (Đức). Ngoài ra nhiều chuyến tàu của Công ty đường sắt Đức (Deutsche Bahn) cũng dừng tại Salzburg như tuyến InterCity Frankfurt-Salzburg và nhiều tuyến khác của Eurocity.

Các tuyến đường cao tốc A1 (Wien-Salzburg), A8 (München-Salzburg) và A10 (Salzburg-Villach) tạo thành một vòng cung quanh thành phố.

Mạng lưới đường sắt của S-Bahn Salzburg là mạng lưới giao thông công cộng chính trong vùng Salzburg, ngày càng phát triển trở thành phương tiện giao thông nội thành. Thêm vào đó là mạng lưới xe buýt địa phương được xây dựng tốt, nối kết thành phố với cái vùng phụ cận

Mạng lưới xe buýt nội thành do công ty StadtBus Salzburg vận hành là một trong các mạng lưới xe buýt lớn nhất châu Âu. Bổ sung vào mạng lưới xe buýt là các tuyến buýt của công ty Albus Salzburg. Mạng lưới được xây dựng chủ yếu theo hình sao, vì thế mà vẫn còn thiếu một vài tuyến kết nối ngang nhưng hiện nay vẫn được liên tục mở rộng.

Tất cả các phương tiện giao thông công cộng nội thành được kết hợp trong Hiệp hội Giao thông Salzburg (Salzburger Verkehrsbund), có cùng chung một giá và được phối hợp với nhau.

Ở rìa thành phố là các khu vực Park and Ride dành cho du khách đến Salzburg bằng ô tô. Từ đấy có thể dễ dàng đi vào trung tâm thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Xe đạp đóng một vai trò quan trọng trong Salzburg. Tỷ lệ xe đạp chiếm hơn 20% trong giao thông. Từ năm 1991 hệ thống hành chính của thành phố có riêng một ban chuyên về điều phối giao thông xe đạp. Hệ thống mướn xe đạp của Citybike Salzburg hiện đang được xây dựng và mở rộng, tạo khả năng đi lại một cách rẻ tiền trong thành phố nhờ vào hệ thống đường dành riêng cho xe đạp tương đối tốt. Sau khi đăng ký qua Internet hay trực tiếp tại các terminal có thể mướn xe đạp bằng thẻ tín dụng Maestro. Không phải trả tiền cho giờ đầu tiên.

Điện, nước và nước thải

[sửa | sửa mã nguồn]

Công ty cổ phần Salzburg (Salzburg AG) chịu trách nhiệm cung cấp điệnnước cho thành phố Salzburg. Công ty Salzburg dùng chủ yếu là từ nguồn nước ngầm, cung cấp hằng năm khoảng 12 tỉ lít nước sạch cho thành phố.

Nước thải được xử lý từ năm 1987 bởi nhà máy Siggerwisen được thiết kế có công suất đủ xử lý cho 600.000 người và ngoài vùng Salzburg còn xử lý nước thải của thị trấn Ainring thuộc Đức.

Đào tạo và nghiên cứu

[sửa | sửa mã nguồn]

Đại học

[sửa | sửa mã nguồn]
Tòa nhà của phân khoa Khoa học xã hội, phía trên là Pháo đài Hoehensalzburg

Salzburg có 5 trường đại học, lâu đời nhất là trường Đại học Paris Lodron Salzburg (Paris-Lodron-Universität Salzburg) được thành lập năm 1622. Trường có 4 khoa: Thần học (công giáo), Luật, Khoa học Xã hội - Văn hóa và Khoa học tự nhiên.

Trường âm nhạc Mozarteum được thành lập năm 1841 và từ 1970 là trường Đại học, chủ yếu là các khoa về hòa nhạc nhưng bên cạnh đó cũng có các khoa khác như kịch và đạo diễn.

Trường Đại học Y tư nhân Paracelsus (Paracelsus Medizinische Privatuniversität) được thành lập năm 2003 là trường đại học tư nhân. Tuy vậy 1/3 vốn thành lập là từ phía nhà nước.

Đại học Thực hành Salzburg (Fachhochschule Salzburg) được thành lập năm 1995 có các khoa về kỹ thuật, kinh tế, thiết kế tạo mẫu cũng như nhiều khoa trong lãnh vực y tế và xã hội.

Salzburg Management Business School được thành lập năm 2001 chuyên đào tạo về kinh tế (bằng master).

Học viện

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Học viện Sư phạm của liên bang tại Salzburg
  • Học viện quốc tế mùa hè về nghệ thuật tạo hình tại Salzburg
  • Học viện Sư phạm-Tôn giáo của địa hạt tổng Giám mục Salzburg
  • Học viện dinh dưỡng Salzburg
  • Học viện thiết kế quảng cáo Salzburg
  • Học viện nghiên cứu về Mozart
  • Học viện hộ sinh
  • Học viện về kỹ thuật y khoa
  • Học viện về kỹ thuật phóng xạ
  • Học viện về điều trị tâm lý
  • Học viện truyền thông đại chúng Áo về đào tạo nhà báo

Viện nghiên cứu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Viện nghiên cứu Sư phạm Liên bang
  • Viện nghiên cứu Tôn giáo-Sư phạm của Đại hạt tổng giám nục Salzburg
  • Viện nghiên cứu đa ngành về du lịch
  • Viện nghiên cứu châu Phi-châu Á Salzburg
  • Salzburg Research
  • Salzburg Seminar
  • Viện nghiên cứu tim châu Âu

Thành phố Salzburg và vùng Flachgau phụ cận là một nơi đầu tư có nhiều thu hút cho các doanh nghiệp lớn hay nhỏ và là đầu tàu kinh tế cho cả tiểu bang. Tăng trưởng kinh tế liên tục của Salzburg đứng thứ nhì, chỉ sau thủ đô Wien. Các doanh nghiệp của thành phố (60%) và của vùng Flachgau (30%) chiếm tổng cộng 90% doanh số của toàn tiểu bang trong năm 2005.

Doanh nghiệp lớn

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Áo (Statistik Austria), vào ngày 15 tháng 5 năm 2001 thành phố có 10.210 cơ sở với tổng cộng 100.055 lao động. Chủ lao động tư nhân lớn nhất lớn nhất là Spar (Áo) với 16.000 nhân viên (tính riêng cho tiểu bang với các doanh nghiệp có trụ sở chính trong thành phố Salzburg). Sau đấy là Công ty TNHH Porsche Holding với 14.670 nhân viên.

Truyền thông đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Studio tiểu bang của đài truyền hình quốc gia Áo ORF nằm trong khu phố Nonntal và cũng là nơi sản xuất chương trình cho Radio Salzburg. Đài truyền hình tư nhân Salzburg TV phát song từ năm 1995.

Báo chí:

Đài phát thanh:

Văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào những năm 1960, bộ phim Giai điệu hạnh phúc "đã sử dụng một số địa điểm trong và xung quanh Salzburg và bang Salzburg. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Maria von Trapp, người sống trong một gia đình quý tộc và chạy trốn khỏi Anschluss của Đức Quốc xã. Thị trấn thu hút nhiều du khách muốn đến thăm các địa điểm quay phim.

Thành phố xuất hiện ngắn gọn trên bản đồ khi Indiana Jones đi qua thành phố trong phim Indiana Jones và cuộc Thập tự chinh cuối cùng .

Salzburg là bối cảnh cho loạt phim tội phạm của Áo Stockinger .

Trong bộ phim Knight & Day năm 2010, Salzburg đóng vai trò là bối cảnh cho phần lớn bộ phim.

Cuốn tiểu thuyết 'A Rock' n 'Roll Lovestyle' năm 2017 của Kiltie Jackson lấy bối cảnh chủ yếu ở Salzburg và các khu vực lân cận.

Nhân vật nổi tiếng

[sửa | sửa mã nguồn]
Mozart sinh ra ở Salzburg

Thư viện

[sửa | sửa mã nguồn]
Một đêm dài ở Salzburg
Khu phố cổ Salzburg với con hẻm hẹp điển hình
Toàn cảnh Altstadt Salzburg
Toàn cảnh Salzburg nhìn từ pháo đài Hohensalzburg

Thành phố kết nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Tài liệu tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Heinz Dopsch, Robert Hoffmann: Geschichte der Stadt Salzburg (Lịch sử thành phố Salzburg), Pustet Salzburg 1996.
  • Heinz Dopsch: Kleine Geschichte Salzburgs – Stadt und Land (Sơ lược lịch sử Salzburg - Thành phố và vùng phụ cận), Pustet 2001.
  • Robert Hoffmann: Mythos Salzburg. Bilder einer Stadt (Thần thoại Salzburg. Hình ảnh của một thành phố), Salzburg, Pustet München 2002.
  • Kurt Kaindl, Roland Floimair: Hundert Jahre Film, 1895-1995: Salzburger Film- und Fotopioniere (100 phim ảnh, 1895-1995: Các nhà nhiếp ảnh và làm phim tiên phong của Salzburg), Amt der Salzburger Landesregierung, vertreten durch das Landespressebüro, Salzburg 1994.
  • Fritz Koller, Hermann Rumschöttel: Bayern und Salzburg im 19. und 20. Jahrhundert, vom Salzachkreis zur EUregio (Bayern và Salzburg trong thế kỷ 19 và 20, từ huyện Salzach đến vùng Euro), Samson 2006. ISBN 3-921635-98-5
  • Herbert Rosendorfer: Salzburg für Anfänger (Salzburg cho người mới), nymphenburger 2003.
  • Christian Strasser: The Sound of Klein-Hollywood: Filmproduktion in Salzburg, Salzburg im Film: mit einem Filmlexikon (Âm thanh của Hollywood nhỏ: Sản xuất phim tại Salzburg, Salzburg trong phim: một từ điển bách khoa nhỏ). Österreichischer Kunst- und Kulturverlag Wien 1993. ISBN 3-85437-047-4

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Dauersiedlungsraum der Gemeinden Politischen Bezirke und Bundesländer - Gebietsstand 1.1.2018”. Statistics Austria. Truy cập 10 tháng 3 năm 2019.
  2. ^ “Salzburg in Zahlen”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  3. ^ “Salzburg”. [[Lỗi biểu thức: Dư toán tử <]] Từ điển Vương quốc Anh. Oxford University Press. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2019.
  4. ^ “Salzburg”. Collins English Dictionary. HarperCollins. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2019.
  5. ^ “Salzburg”. The American Heritage Dictionary of the English Language (ấn bản thứ 5). Boston: Houghton Mifflin Harcourt. 2014. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2019.
  6. ^ “Salzburg”. Merriam-Webster Dictionary. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2019.
  7. ^ “Why Salzburg is Austria's most inspiring city”. www.thelocal.at (bằng tiếng Anh). ngày 21 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2019.
  8. ^ de Fabianis, Valeria, ed. Castles of the World. Metro Books, 2013, p. 167. ISBN 978-1-4351-4845-1
  9. ^ de Fabianis, p. 167.
  10. ^ Visit Salzburg, Salzburg's History: Coming a Long Way.
  11. ^ “Klimamittel 1981–2010: Lufttemperatur” (bằng tiếng Đức). Central Institute for Meteorology and Geodynamics. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  12. ^ “Klimamittel 1981–2010: Niederschlag” (bằng tiếng Đức). Central Institute for Meteorology and Geodynamics. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  13. ^ “Klimamittel 1981–2010: Schnee” (bằng tiếng Đức). Central Institute for Meteorology and Geodynamics. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  14. ^ “Klimamittel 1981–2010: Luftfeuchtigkeit” (bằng tiếng Đức). Central Institute for Meteorology and Geodynamics. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  15. ^ “Klimamittel 1981–2010: Strahlung” (bằng tiếng Đức). Central Institute for Meteorology and Geodynamics. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  16. ^ “Station Salzburg” (bằng tiếng Pháp). Météo Climat. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  17. ^ “Klimadaten von Österreich 1971–2000 – Salzburg-Salzburg–Flughafen” (bằng tiếng Đức). Central Institute for Meteorology and Geodynamics. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2019.
  18. ^ “Bevölkerung zu Jahres-/Quartalsanfang”. Statistik.at. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2018.
  19. ^ “Statistisches Jahrbuch der Landeshauptstadt Salzburg” (PDF). Stadt Salzburg. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2016.[liên kết hỏng]
  20. ^ Klaaß, Daniel (2009). Untersuchungen zu ausgewählten Aspekten des Konsonantismus bei österreichischen Nachrichtensprechern. Frankfurt am Main: Peter Lang. tr. 38. ISBN 9783631585399. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2020.
  21. ^ Reitmeier, Simone. “Salzburg Mundart: Stirbt der Dialekt in naher Zukunft aus?”. weekend.at. Weekend Online GmbH. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2020.
  22. ^ Winkler, Jacqueline. “Dialekte in ihrer heutigen Form sterben aus”. salzburg24. Salzburg Digital GmbH. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2020.
  23. ^ Pumhösel, Alois. “Germanist: "Kinder vor Dialekt bewahren zu wollen ist absurd". Der Standard. STANDARD Verlagsgesellschaft m.b.H. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2020.
  24. ^ “Architecture: Salzburg Sights by Period”. Visit-salzburg.net. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013.
  25. ^ [1] Lưu trữ 2012-05-06 tại Wayback Machine
  26. ^ “Preisträger Salzburg”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2013.
  27. ^ “flow – der VERBUND Blog”. Verbund.com. ngày 15 tháng 10 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013.
  28. ^ “Red Bull′s Hangar-7 at Salzburg Airport”. Visit Salzburg. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013.
  29. ^ “Joseph Mohr (1792–1848) Priest and author of Silent Night” (bằng tiếng Anh). www.stillenacht.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2018.
  30. ^ “Theodor Herzl (1860–1904)”. Jewish Agency for Israel. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009. He received a doctorate in law in 1884 and worked for a short while in courts in Vienna and Salzburg.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]








ApplySandwichStrip

pFad - (p)hone/(F)rame/(a)nonymizer/(d)eclutterfier!      Saves Data!


--- a PPN by Garber Painting Akron. With Image Size Reduction included!

Fetched URL: http://vi.wikipedia.org/wiki/Salzburg

Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy