Bước tới nội dung

Strela-2

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

9K32 Strela-2
Ký hiệu NATO: SA-7 Grail
Một tên lửa KBM Kolomna 9K32 Strela-2 và dàn phóng
Loạitên lửa đất đối không cá nhân (MANPADS)
Nơi chế tạo Liên Xô
Lược sử hoạt động
Phục vụ1968-nay
Sử dụng bởiXem Các quốc gia sử dụng
 Liên Xô
 Nga
 Afghanistan
 Việt Nam
 Cuba
 Lào
 Campuchia
 Iraq
 Iran
 Syria
 Trung Quốc
 Ukraina
 Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
 Pakistan
 Liban
 Mông Cổ
 Mozambique
 Tiệp Khắc
 Indonesia
Lược sử chế tạo
Người thiết kếKBM (Kolomna)
Năm thiết kếKhoảng năm 1964
Giá thành4.340 USD/ống phóng
2.483 USD/quả tên lửa (thời giá 1970)[1]
Thông số
Khối lượng9.8 kg (đạn Strela-2M)[2]
15 kg (cả hệ thống)[2]
Chiều dài1.44 m[2]
Đường kính72 mm[2]

Tầm bắn xa nhất3700m (Strela-2)
4200m (Strela-2M)[2]

Độ cao bay50–1500 m (Strela-2)
50–2300m (Strela-2M)[2]
Tốc độ430m/s (Strela-2)
500m/s (Strela-2M)[3]
Hệ thống chỉ đạoHồng ngoại bị động

9K32 "Strela-2" (tiếng Nga 9К32 "Стрела-2", ký hiệu của NATO SA-7 "Grail") là một tên lửa đất đối không vác vai, tương tự như loại FIM-43 Redeye của Hoa Kỳ. Loại tên lửa này có điều khiển, sử dụng hệ dẫn hướng hồng ngoại bị động.

Strela 2 là thế hệ đầu của loại tên lửa vác vai Liên Xô, nó được đưa vào trang bị vào khoảng năm 1968. Mặc dù Strela 2 bị hạn chế về tầm bắn, tốc độ và độ cao, nhưng nó rất gọn nhẹ (có thể vác trên vai bộ binh), rất thích hợp cho tác chiến du kích. Nó rất hữu hiệu khi đối phó với các mục tiêu bay thấp như máy bay ném bom bổ nhào, máy bay vận tải hoặc trực thăng, hay chí ít có thể buộc các phi công của đối phương phải bay cao hơn tầm hoạt động hiệu quả của nó, điều này làm tăng khả năng của việc phát hiện bằng ra đa và dễ bị tấn công bởi các hệ thống phòng không khác.

Cho tới thời điểm 2020, sau 50 năm được chế tạo, Strela-2 vẫn tiếp tục được sử dụng bởi một số quân đội, lực lượng quân sự. Strela-2 hiện đang giữ thành tích bắn hạ nhiều máy bay nhất trong số các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai trên thế giới, hơn cả loại FIM-92 Stinger của Mỹ.

Lịch sử phát triển

Strela 2 có hai mẫu là: 9K32 Strela-2 (SA-7A) được đưa vào trang bị từ năm 1968, nhưng nó sớm được thay thế bằng phiên bản cải tiến là 9K32M Strela-2M (SA-7B). Tên lửa 9K32 Strela-2 sử dụng ống phóng 9Π54, còn tên lửa được phóng từ ống phóng 9Π54 M.

Với sự ra đời của Strela 2, lần đầu tiên bộ binh được trang bị loại vũ khí phòng không có tầm bắn tới 4 km mà lại gọn nhẹ, chỉ cần vận hành bởi 1 người và có thể mang vác dễ dàng bởi mọi phương tiện vận chuyển, từ xe jeep tới môtô 2 bánh (súng bộ binh chỉ có tầm bắn khoảng vài trăm mét, trong khi pháo phòng không có tầm bắn tương đương, nhưng phải cần nhiều người để vận hành cũng như cần phải có xe ôtô để kéo pháo). Nhờ gọn nhẹ, Strela-2 có khả năng cơ động rất cao, có thể phóng từ mọi điều kiện chiến trường, từ rừng rậm tới sông hồ, từ chiến hào cho tới đô thị (pháo phòng không thì phải thiết lập trận địa bắn tại một khu vực bằng phẳng và quang đãng), nhờ vậy nó rất hiệu quả với lối đánh du kích.

Tuy nhiên, SA-7 là tên lửa phòng không vác vai thế hệ đầu nên có nhược điểm lớn là đầu dò hồng ngoại của nó rất dễ bị đánh lừa bởi mồi bẫy pháo sáng. Do vậy, Liên Xô đã nghiên cứu khắc phục khuyết điểm này và năm 1974 đã cho ra đời phiên bản cải tiến là Strela-3 (SA-14 Gremlin) có tầm bắn xa hơn, khả năng chống lại mồi bẫy pháo sáng tốt hơn.

Dù đã được Liên Xô/Nga thay thế bởi các hệ thống phòng không vác vai hiện đại hơn từ cuối thập nhiên 1970, song SA-7 vẫn tiếp tục tham chiến cho đến tận thập niên 2020.

Trung Đông

Trong giai đoạn 1969-1970, quân đội Ai Cập tuyên bố đã tiêu diệt được 36 máy bay Israel với 99 lần phóng SA-7. Nó bắn hạ mục tiêu đầu tiên là một chiếc A-4 Skyhawk của Israel. Trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, SA-7 đã bắn hạ từ 7 tới 18 máy bay Israel[4][5].

Trong giai đoạn từ 1978 đến 1986, SA-7 của Syria và của du kích Palestine đã bắn rơi 04 máy bay (01 chiếc Kfir, 1 chiếc F-4, 2 chiếc A-4), 03 chiếc máy bay lên thẳng (2 chiếc AH-1 Cobra, 1 chiếc UH-1) của Không quân Israel và 01 chiếc máy bay cường kích hải quân A-7 (số hiệu 157486) của Không quân hải quân Mỹ.

Strela-2 của Lybia có thể đã hạ 01 chiếc MiG-21 của Ai Cập vào tháng 7/1977, và 01 chiếc Specat Jaguar của Pháp tháng 5/1978.

Trong chiến dịch "Bão táp sa mạc", Strela-2 của Iraq bắn rơi 1 chiếc Panavia Tornado của Anh, 01 chiếc AC-130 của Không quân Mỹ[6], 01 chiếc AV-8 Harrier của Không quân hải quân Mỹ.

Tháng 5-6/1997, quân người Kurd đã dùng Strela-2 bắn rơi 2 máy bay lên thẳng loại AH-1W và AS-532UL của Thổ Nhĩ Kỳ[7][8][9].

Trong chiến tranh Iraq lần thứ hai, trong tháng 1/2006, các chiến binh Iraq đã dùng Strela-2 bắn hạ 1 chiếc máy bay trực thăng chiến đấu AH-64 Apache của Không quân lục quân Mỹ[10].

Cuối năm 2015, một chiếc F-16 của Không quân Mỹ đã bị du kích Taliban bắn trúng bởi SA-7, chiếc F-16 bị hư hại nặng, phải vứt bỏ vũ khí, thùng xăng và hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần đó.

Tại Việt Nam

Tên lửa vác vai 9K32 Strela-2 (có nghĩa là mũi tên) được trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1972 và được gọi với cái tên A-72. Tên lửa Strela 2 với đặc điểm gọn nhẹ, dễ cơ động, khả năng sát thương cao đã trở thành hiểm họa của máy bay tầm thấp, đặc biệt là máy bay không người lái, máy bay vận tải và trực thăng. Theo thống kê của Nga, đã có 589 quả SA-7 được phóng tại Việt Nam trong giai đoạn 1972-1975, trong đó 204 quả đã bắn trúng đích (tỷ lệ trúng đích 29,5%)[11]. Một nguồn khác thống kê trong 3 năm, Tiểu đoàn phòng không 172 trang bị A-72 (thuộc Trung đoàn 64, sư đoàn 361 Quân chủng Phòng Không - Không quân) đã đánh 484 trận, phóng 408 tên lửa, diệt 157 máy bay (134 chiếc rơi tại chỗ), bao gồm 34 chiếc bị hạ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đạt hiệu suất tiêu diệt 37,5%, cao hơn so với tính toán thiết kế là 30%. Trong tiểu đoàn 172 có hàng chục xạ thủ hạ được từ 4 máy bay trở lên, xạ thủ cao nhất hạ tới 16 máy bay. 17 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 172 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ đầu năm 1972 đến tháng 1/1973, các chiến sĩ Việt Nam đã dùng Strela-2 bắn hạ 29 máy bay Mỹ (01 chiếc F-4, 7 chiếc O-1, 03 chiếc O-2, 04 chiếc OV-10, 09 chiếc A-1, 04 chiếc A-37) và 14 máy bay lên thẳng (01 chiếc CH-47, 04 chiếc AH-1, 09 chiếc UH-1)[12] Đây mới chỉ là số liệu mà Mỹ công nhận, con số thực tế chắc chắn là cao hơn (vì Mỹ chưa tính số máy bay của không quân Sài Gòn bị bắn rơi, cũng chưa tính số máy bay bị trúng tên lửa hư hại nặng nhưng quay về được sân bay).

Trong một bài viết của của hai tác giả Zhirohova Michael và Alexander Kotlobovskiy có thống kê các thành tích của A-72 chống lại máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ tại khu vực An Lộc: 25 lần phóng tên lửa đã bắn hạ 18 máy bay trực thăng, đặc biệt là ngày 12/5/1972 tại khu vực An Lộc, trong vòng một tiếng rưỡi 5 máy bay trực thăng AH-1 Cobra trúng tên lửa và bị bắn rơi. Ngày 15/6/1972, A-72 làm nên phát bắn gây thiệt hại nặng nhất về người cho không quân Mỹ: 1 chiếc AC-130A bị A-72 bắn trúng, chiếc máy bay nặng gần 80 tấn bị rơi và giết chết toàn bộ 12 thành viên phi hành đoàn[13].

Sự xuất hiện của A-72 đã gây một áp lực tâm lý nặng nề cho phi công Mỹ, nhất là phi công trực thăng. Tại miền Nam trước năm 1972, quân Giải phóng chỉ có thể bắn máy bay Mỹ bằng súng máy, phi công Mỹ chỉ cần bay cao hơn 800 mét là khá an toàn. Chỉ những lúc trực thăng Mỹ bay thấp thì mới dễ bị bắn, nhưng trực thăng bị trúng một vài phát đạn súng máy thì cũng chưa chắc đã rơi, và nếu có rơi thì phi công Mỹ vẫn có tỷ lệ sống sót khá cao. Nhưng tên lửa A-72 thì có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao tới 2.300 mét, vượt quá trần bay của đa số trực thăng thời đó, và chỉ cần 1 quả đánh trúng trực thăng thì sức nổ của nó sẽ ngay lập tức giết chết phi công hoặc khiến trực thăng bốc cháy dữ dội, khiến tỷ lệ sống sót của phi công là rất thấp. Theo 1 thống kê đối với 9 trực thăng Mỹ trúng tên lửa vào năm 1972, chỉ có 2 tổ phi công (lái loại AH-1 Cobra) là may mắn thoát chết.

Ngày 28/1/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Tháng 7/1973, có 22 lần quân đội Việt Nam sử dụng tên lửa A-72, bắn rơi 7 máy bay của không quân Sài Gòn (theo William Le Gros, "Vietnam: Cease Fire To Capitulation"): 1 chiếc A-37 và 1 chiếc UH-1 ở Quảng Trị, 2 chiếc A-1 và 1 chiếc F-5 ở Bình Long, 1 chiếc A-1 ở Tiên Phước, 1 chiếc UH-1 và 1 chiếc CH–47 ở Biên Hòa. Theo thống kê của trang globalsecurity.org, tính tổng số từ tháng 1/1973 đến mùa hè 1974, số máy bay của quân đội Sài Gòn bị A-72 bắn rơi là 17 chiếc: 5 máy bay A-1; 5 chiếc A-37; 1 chiếc AC-119; 1 chiếc F-5; 3 chiếc UH-1; 2 chiếc CH-47[14]. Báo cáo chính thức của tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ cung cấp là quân đội Sài Gòn tổn thất 23 máy bay chiến đấu bởi A-72. Từ 28/1/1973 đến cuối 31/12/1974, tổng số máy bay bị A-72 bắn rơi lên đến 28 máy bay, trong đó có ít nhất một chiếc AC-119[15]. Đó là còn chưa tính số máy bay bị trúng tên lửa hư hại nặng nhưng quay về được sân bay.

Các xạ thủ A-72 tiêu biểu:

  • Ngày 11 tháng 5 năm 1972, Chiến sĩ Nghiêm Xuân Đán, người xã Tri Chỉ (Phú Xuyên, Hà Nội), là người Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay bằng tên lửa A-72 trong trận đánh tại Núi Gió, gần Thị xã Bình Long. Trong ngày hôm đó, với 2 quả tên lửa ông đã bắn rơi 2 máy bay OV-10.
  • Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Chiến, khi mới vào chiến trường, cả 6 lần phóng tên lửa đầu tiên đều không trúng. Ông đã cùng đồng đội rút kinh nghiệm, tìm hiểu quy luật của từng loại máy bay để tìm ra chiến thuật bắn hợp lý. Từ năm 1974-1975, chỉ với 5 quả tên lửa A-72, ông đã diệt 6 máy bay, đủ loại C-47, C-123, CH-54, UH-1A... Tại Mộc Hóa, Kiến Tường, bằng một quả A-72, ông Chiến đã diệt 2 máy bay (chiếc CH-46 bị trúng đạn nổ văng thành nhiều mảnh khiến chiếc UH-1A bay bên cạnh cũng bị rơi theo). Ngoài ra, còn có liệt sĩ Hoàng Anh Quyết cũng lập thành tích 1 tên lửa hạ 2 máy bay.
  • Xạ thủ Nguyễn Văn Thoa (sinh năm 1952, ngụ tại thôn Cao Bình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã sử dụng SA-7 tiêu diệt 13 máy bay địch. Bằng 18 quả tên lửa trong 6 trận đánh, ông hạ được 13 chiếc máy bay. Ngoài máy bay trinh sát L-19, trực thăng chiến đấu HU-1A còn có cả máy bay ném bom CH-54, máy bay vận tải hạng nặng C-130. Ông Thoa cũng là người bắn hạ chiếc máy bay địch cuối cùng trong chiến tranh: bắn hạ chiếc máy bay C-130 tại xã Tân Thới Hiệp, Hóc Môn (phía bắc Sân bay Tân Sơn Nhất) vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975[16] Nguyễn Văn Thoa được tặng thưởng 13 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 Huân chương chiến công và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân[17]
  • Các xạ thủ A-72 Việt Nam có thành tích cao nhất gồm có: Hoàng Văn Quyết (bắn rơi 16 máy bay), Nguyễn Văn Thoa (bắn rơi 13 máy bay), Nguyễn Đắc Luận (bắn rơi 9 máy bay), Trần Văn Xuân (bắn rơi 8 máy bay), Trần Quang Thắng (bắn rơi 7 máy bay)... Với 16 máy bay, Hoàng Văn Quyết hiện đang giữ kỷ lục thế giới về số lượng máy bay mà 1 người lính bộ binh bắn hạ được trong thực chiến.

Riêng Tiểu đoàn 172 tên lửa A-72 đã có 17 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới đây là danh sách chưa đầy đủ, gồm:

Trong xung đột ở biên giới Thái Lan các năm 1983-1985, quân Việt Nam dùng Strela-2 hạ thêm ít nhất là 02 chiếc máy bay cường kích A-37 của Không quân Thái Lan.

Cách tính năng kỹ chiến thuật

Tên lửa có 4 tầng: tầng đầu là đầu tự dẫn, tầng thứ 2 có cánh lái là tầng để điều khiển hướng bay (bằng cách thay đổi góc của cánh lái), tầng thứ 3 là phần chiến đấu, tầng cuối cùng là động cơ, phần cuối của động cơ có các cánh ổn định.

9K32M Strela-2M

  • Ống phóng: 9Π54 M
  • Chiều dài: 1,47 m
  • Cỡ: 72 mm (70 mm?)
  • Khối lượng ống phóng: 4,71 kg
  • Tầm bắn lớn nhất: 5.500 m
  • Tầm bắn nhỏ nhất: 500 m
  • Độ cao lớn nhất: 4.500 m
  • Độ cao nhỏ nhất: 18 m
  • Khối lượng tên lửa: 9,97 kg
  • Tốc độ: 580 m/s
  • Hệ dẫn: Hồng ngoại bị động

Các quốc gia sử dụng

Một người lính với ống phóng Strela.

Đã từng sử dụng

  •  Liên Xô Chuyển cho các nước Xã hội Chủ nghĩa và giao cho tất cho Nga

Chú thích

  1. ^ http://www.pmulcahy.com/PDFs/heavy_weapons/sams.pdf
  2. ^ a b c d e f Переносной зенитно-ракетный комплекс 9К32М "Стрела-2М", http://www.new-factoria.ru/missile/wobb/strela_2m/strela_2m.shtml Lưu trữ 2008-10-11 tại Wayback Machine. Truy cập: May 5th, 2009
  3. ^ http://www.new-factoria.ru/missile/wobb/strela_2m/shema.htm Lưu trữ 2009-04-14 tại Wayback Machine. Truy cập: May 5th, 2009
  4. ^ Cullen & Foss 1992, tr. 42
  5. ^ “Archived copy” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2018.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết)
  6. ^ “Spirit 03 and the Battle for Khafji”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2014.
  7. ^ “Netzwerk Friedenskooperative – Themen – Türkei/Kurdistan-Invasion – turkhg52”. Friedenskooperative.de. ngày 6 tháng 6 năm 1997. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2013.
  8. ^ “ASN Aircraft accident 04-JUN-1997 Aérospatiale AS 532UL Cougar 140”. Aviation-safety.net. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2013.
  9. ^ “Sabah Politika Haber”. Arsiv.sabah.com.tr. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2013.
  10. ^ “Surface-to-Air Missile Downed U.S. Chopper in Iraq”. ABC News. ngày 17 tháng 1 năm 2006.
  11. ^ “«Стрела”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 1 năm 2011. Truy cập 13 tháng 2 năm 2015.
  12. ^ https://dantri.com.vn/the-gioi/nguoi-nga-noi-that-ve-chien-tranh-viet-nam-1431204287.htm
  13. ^ tạp chí "Hàng không và thời gian" (năm 2006, số 5)
  14. ^ https://www.globalsecurity.org/military/world/vietnam/rvn-vnaf-equipment-data.htm
  15. ^ https://www.globalsecurity.org/military/world/vietnam/rvn-vnaf-1975-2.htm
  16. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2017.
  17. ^ https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/anh-hung-ten-lua-vac-vai-a72-473468
  18. ^ [1]

Tham khảo

pFad - Phonifier reborn

Pfad - The Proxy pFad of © 2024 Garber Painting. All rights reserved.

Note: This service is not intended for secure transactions such as banking, social media, email, or purchasing. Use at your own risk. We assume no liability whatsoever for broken pages.


Alternative Proxies:

Alternative Proxy

pFad Proxy

pFad v3 Proxy

pFad v4 Proxy